(Tham luận của Báo Lạng Sơn tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28 năm 2023)
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, diện tích tự nhiên 8.310 km2, trên 70% diện tích là đồi núi, 80,67% dân số sống ở nông thôn. Toàn tỉnh có 10 huyện, 1 thành phố với 200 xã, phường, thị trấn, trong đó có 181 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM). Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được xác định là nền tảng, giữ vai trò, vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tập trung khai thác những mặt thuận lợi, tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kết quả đạt được là tiền đề cho xây dựng NTM.
Năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để cụ thể hóa Nghị quyết, năm 2010 Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020, cùng với nhiều cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản chỉ đạo toàn diện, đồng bộ là điều kiện thuận lợi để địa phương triển khai thực hiện chương trình toàn diện, hiệu quả.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng và người dân xã Kháng Chiến chung sức làm đường giao thông xây dựng NTM.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nông nghiệp là thuần túy, người nông dân trải qua quá trình dài sản xuất nông nghiệp do đó đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn và thực tiễn quá trình phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã đã được rèn luyện với nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng… Đây là điều kiện thuận lợi cho triển khai chương trình.
Ngay khi có chủ trương xây dựng NTM, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, Báo Lạng Sơn đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyên truyền về công tác xây dựng NTM. Theo đó, Ban Biên tập đã chỉ đạo các bộ phận liên quan chủ động xây dựng chuyên mục NTM đăng tải hằng tuần trên 2 ấn phẩm: báo in và báo điện tử của Báo Lạng Sơn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên môn, phóng viên phụ trách chuyên mục.
Cùng với tổ chức thực hiện chuyên mục xây dựng NTM hằng tuần, Báo Lạng Sơn thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để cập nhật kiến thức, nâng cao nhận thức về xây dựng NTM cho cán bộ, phóng viên trong tòa soạn. Từ đó các phóng viên có thêm thông tin, kiến thức để thực hiện các tin, bài về xây dựng NTM ngày một tăng về số lượng, nâng cao hơn nữa về chất lượng.
Hoạt động sản xuất tại HTX Thành Lộc, huyện Lộc Bình.
Để công tác tuyên truyền về xây dựng NTM đạt hiệu quả, Ban Biên tập Báo Lạng Sơn chỉ đạo các phòng chuyên môn bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách từ Trung ương đến tỉnh về xây dựng NTM. Trong đó giai đoạn 2010 - 2015, công tác tuyên truyền tập trung phản ánh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn bộ máy thực hiện chương trình; công tác huy động, phân bổ nguồn lực xây dựng NTM; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng; kịp thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để từng bước tháo gỡ khó khăn; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân về xây dựng NTM, từ đó có các biện pháp huy động nguồn lực xã hội hóa để cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn.
Từ năm 2016 đến nay, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM trên Báo Lạng Sơn tiếp tục tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các chủ trương, định hướng xây dựng NTM của các cấp, ngành; đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn; phát hiện và tuyên truyền về các điển hình, cách làm hay trong xây dựng NTM. Báo Lạng Sơn cũng đã chủ động phối hợp với một số Báo Đảng địa phương khác để tổ chức các buổi học tập kinh nghiệm, tuyên truyền về xây dựng NTM như tại tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Bắc Giang… Cùng với đó, Báo Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng xã NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM kiểu mẫu; xây dựng xã NTM, thôn NTM ở các xã biên giới.
Bên cạnh phản ánh những kết quả nổi bật, Báo Lạng Sơn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn để từ đó kịp thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời thẳng thắn chỉ ra những trường hợp xây dựng NTM còn mang tính hình thức, sự thiếu quyết tâm, chưa sát sao của một số huyện, xã trong quá trình triển khai thực hiện.
Hiện nay Báo Lạng Sơn duy trì thực hiện, đăng tải 52 bài trong chuyên mục NTM/năm. Ngoài ra, bình quân mỗi năm, Báo Lạng Sơn cũng đăng tải trên 500 tin, bài, ảnh liên quan đến xây dựng NTM cũng như nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên các ấn phẩm báo in và báo điện tử của Báo Lạng Sơn. Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chủ động, nỗ lực của Báo Lạng Sơn trong công tác tuyên truyền về xây dựng NTM đã góp phần giúp tỉnh đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng NTM.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 86/181 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 17 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mới. Hạ tầng nông thôn không ngừng đổi mới. Cụ thể từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã mở mới hơn 800 km đường, bê tông hóa thêm khoảng 4.000 km đường giao thông nông thôn; các công trình điện được đầu tư xây dựng, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,89%. Cùng với đó các công trình trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế… được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đến nay tỉnh có 256/554 trường học trên địa bàn các xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất; 879/1.523 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn… Trên địa bàn tỉnh có 99/181 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 161/181 xã đạt tiêu chí văn hóa; 95/181 xã đạt tiêu chí thu nhập; 90/181 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều.
Người dân thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Các công trình hạ tầng NTM được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Nổi bật nhất chính là hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng giúp cho việc đi lại hằng ngày cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân nông thôn miền núi gặp nhiều thuận lợi. Cùng với đó, các công trình hạ tầng như trạm y tế, trường học, điện nông thôn được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt cũng như phát triển sản xuất của người dân. Bên cạnh đời sống vật chất được cải thiện, đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng lên với các nhà văn hóa, sân thể thao từ xã đến thôn được đầu tư xây dựng tạo sân chơi vui vẻ, bổ ích cho người dân. Diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới. Việc triển khai chương trình xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân nông thôn nói riêng và nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm chỉ còn 9,27%, GRDP bình quân đầu người đạt 51,72 triệu đồng, tương đương 2.155,1 USD. Toàn tỉnh có 180 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt 90%, có 32,9 giường bệnh và 11,2 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,40%; có 269 trường đạt trường chuẩn quốc gia; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 92,8%, có 72% số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn đạt 57%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền về giải pháp đẩy mạnh xây dựng NTM góp phần nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc cập nhật các chương trình, kế hoạch, chính sách về xây dựng NTM đôi lúc còn chưa kịp thời; việc bám sát cơ sở còn chưa thường xuyên, đồng đều giữa các địa bàn dẫn tới tuyên truyền chưa toàn diện; sự phối hợp của một số cơ quan đơn vị trong công tác tuyên truyền về xây dựng NTM còn chưa chặt chẽ…
Để khắc phục những tồn tại đó, thời gian tới, Báo Lạng Sơn tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn của đội ngũ phóng viên, cộng tác viên; phối hợp tốt hơn nữa trong công tác cung cấp thông tin liên quan đến chương trình xây dựng NTM; chỉ đạo các phòng chuyên môn phân công phóng viên tăng cường bám sát cơ sở, phản ánh toàn diện những mặt thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; tuyên truyền biểu dương những nhân tố tích cực, cách làm hay, hiệu quả, đồng thời nêu lên tồn tại, hạn chế trong xây dựng NTM; tổ chức các chương trình học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh… Qua đó tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng NTM trên Báo Lạng Sơn trong thời gian tới.