(Tham luận của Báo Hải Dương tại Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28, năm 2023)
Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, thuộc địa bàn trọng điểm kinh tế phía Bắc, trong không gian phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp với vùng đồng bằng chiếm 89% diện tích tự nhiên do phù sa sông Thái Bình bồi đắp, đất đai màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng, sản xuất được nhiều vụ. Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện; dân số hơn 2,1 triệu người, đứng thứ 8 cả nước. Trong đó, dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm hơn 68%.
Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người dân ở khu vực nông thôn. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, với thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, đây là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trước đây, nhiều nơi ở Hải Dương, chất thải chăn nuôi, hệ thống nhà vệ sinh tự hoại, nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ao hồ, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Rác thải sau khi thu gom chưa được xử lý đúng cách, mới chỉ dừng lại ở việc đốt rác, gây ô nhiễm không khí. Vẫn còn một lượng không nhỏ các loại vỏ lọ hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị vứt ngoài bãi rác…
Các đại biểu tham quan mô hình "Cánh đồng không rác thải" đầu tiên của huyện Nam Sách tại thôn Đồn Bối (xã Nam Hồng).
Để cải thiện tiến tới đạt được tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, vai trò của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân rất quan trọng. Báo Hải Dương luôn xác định, công tác thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận có vai trò quan trọng, đặc biệt là nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường.
Ban Biên tập Báo Hải Dương đã lãnh đạo các phòng chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tuyên truyền các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đặc biệt là tuyên truyền việc triển khai thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với định hướng tuyên truyền là lấy cái đẹp dẹp cái xấu, nêu nhiều điển hình tốt, thẳng thắn phê bình nhiều nơi làm chưa tốt.
Báo xây dựng mỗi tháng 1 chuyên trang Môi trường, 1 chuyên trang Tăng trưởng xanh trên báo in; cập nhật tin, bài, clip, đồ họa, Podcast, E-Magazine… về lĩnh vực môi trường trên Báo Hải Dương điện tử và các trang Fanpage, Zalo.
Thời gian qua, báo đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các đề án, kế hoạch về xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Luật Bảo vệ môi trường; phân loại rác thải tại nguồn, phong trào chống rác thải nhựa… Tuyên truyền sự vào cuộc của chính quyền và các đoàn thể để lãnh đạo, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường ở khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn; việc tổ chức các đội tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, khu dân cư…
Các hội viên phụ nữ dọn vệ sinh tại cánh đồng xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng).
Trung bình mỗi tháng, báo đăng tải từ 15 - 20 tin, bài, chuyên mục trong lĩnh vực môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn… Nội dung tuyên truyền phản ánh về các biện pháp, giải pháp nhằm thu gom, xử lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phát thải khí; việc phân loại rác thải tại nguồn, đóng cửa các bãi rác. Tuyên truyền về sản xuất xanh, bảo vệ môi trường chăn nuôi; thực hiện hương ước - quy ước của làng, khu dân cư trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp…; những mô hình điển hình như "Cánh đồng không rác thải" của các cấp Hội Nông dân, mô hình “Ngôi nhà xanh”, đường hoa… của các cấp Hội Phụ nữ, trồng cây phủ xanh bãi rác của các cấp Hội Cựu chiến binh…
Ban Biên tập giao nhiệm vụ tuyên truyền cho các phòng phóng viên, chủ công là Phòng Kinh tế, trong đó có 1 phóng viên chuyên trách tuyên truyền mảng tài nguyên - môi trường, tăng trưởng xanh. Ngoài ra, báo đề cao trách nhiệm tuyên truyền của 12 phóng viên theo dõi các địa phương. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, Ban Biên tập yêu cầu đội ngũ phóng viên thường xuyên học hỏi, tham khảo các tài liệu chuyên ngành; tham gia vừa đưa tin, vừa cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường tại các hội thảo, tập huấn do sở, ngành tổ chức… Để khích lệ phóng viên, Ban Biên tập đã xét thưởng nhiều tác phẩm chất lượng tuyên truyền về lĩnh vực này thông qua chấm giải hằng tháng; động viên phóng viên tích cực tham gia giải báo chí viết về môi trường hằng năm…
Báo Hải Dương đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên rộng khắp trong và ngoài tỉnh với hơn 500 người. Các cộng tác viên, nhất là đội ngũ phóng viên đài cấp huyện tích cực tham gia tuyên truyền các mặt, trong đó có mảng tài nguyên - môi trường, góp phần để thông tin trên báo kịp thời, sinh động, phong phú hơn.
Mô hình "Ngôi nhà xanh" của Hội Phụ nữ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải.
Hằng năm, tỉnh quan tâm phân bổ kinh phí hỗ trợ tuyên truyền lĩnh vực tài nguyên - môi trường, góp phần khích lệ, động viên kịp thời, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền.
Từ kết quả công tác tuyên truyền cùng nhiều giải pháp đồng bộ của chính quyền, cơ quan chức năng nên ý thức tự giác của người dân nông thôn trong việc thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường nông thôn đã có chuyển biến rõ rệt. Đến năm 2020, tỉnh Hải Dương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nằm trong nhóm 5 tỉnh về đích sớm nhất cả nước. Đến năm 2023, Hải Dương có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỷ lệ hộ trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy định đạt 100%. Hơn 99% số hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; 99,58% số hộ có nhà vệ sinh, nhà tắm đạt chuẩn. Chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 86,8%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99,8%. Phong trào xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn đạt yêu cầu; khu vực công cộng không có hiện tượng xả nước thải, chất thải bừa bãi gây mất mỹ quan. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn hiện nay đạt khoảng 87%...
Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Hải Dương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Báo Hải Dương tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường nông thôn đến cán bộ cơ sở và người dân hiệu quả hơn.