(Tham luận của Báo Hà Giang tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28, năm 2023)
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc anh em (nhiều dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Pà Thẻn…). Bắt tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm rất thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt mạnh, thiếu đất sản xuất và đất ở, thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, trình độ dân trí thấp và không đồng đều. Mức thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, vì vậy, việc huy động sự tham gia đóng góp của người dân cho thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn…
Tuy nhiên với sự cố gắng nỗ lực, quyết tâm cao, tinh thần tự chủ tự cường của toàn hệ thống chính trị, trong hơn 10 năm qua, Hà Giang đã tích cực triển khai xây dựng NTM với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, đến nay, chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Làng văn hóa dân tộc Dao, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì.
Xác định rõ điều kiện thực tế của Hà Giang, ngay từ khi ban hành chủ trương thực hiện chương trình xây dựng NTM, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có quan điểm chỉ đạo: ngoài việc vận dụng sáng tạo các nghị quyết, quyết định, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương vào điều kiện cụ thể của địa phương thì cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù, những cách làm riêng, trong từng giai đoạn cụ thể, với phương châm đặt ra là: làm đến đâu chắc đến đó, “dễ làm trước, khó làm sau”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng NTM phải gắn với bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc;...
Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về công tác tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong những năm qua, Báo Hà Giang đã tích cực đổi mới, sáng tạo về cách thức tuyên truyền theo từng giai đoạn. Để công tác tuyên truyền đạt kết quả tốt, trước hết phải làm tốt công tác tổ chức, phân công thực hiện. Trong kế hoạch xuất bản hàng tháng đều xây dựng các chuyên trang, chuyên mục NTM trên cơ sở đăng ký của phóng viên phụ trách địa bàn. Trả nhuận bút cao những bài viết có tính phát hiện mới, định hướng dư luận tốt.
Về nội dung tuyên truyền, tập trung vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, để người dân hiểu và nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, từng bước thay đổi về tư duy, nhận thức trong xây dựng NTM. Tiếp đó, tuyên truyền sâu vào quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM: công khai hỗ trợ của tỉnh; dân chủ trong tham gia bàn bạc, giám sát, tổ chức thực hiện của nhân dân; phản ánh thực tế những khó khăn trong thực hiện các tiêu chí; phát hiện, cổ vũ cách làm hiệu quả để các địa phương khác học tập.
Chú trọng quảng bá, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho xây dựng NTM. Qua tuyên truyền, vận động đã có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm đóng góp về vật chất giúp các địa phương làm đường giao thông nông thôn; xóa nhà tạm, xây trường học, bể nước, chợ, sân thể thao, nhà văn hóa thôn; khôi phục các làng nghề truyền thống; giúp quảng bá hình ảnh thu hút du khách, tiêu thụ nông sản; hỗ trợ đào tạo nghề… Bên cạnh đó, nguồn lực trong nhân dân cũng được phát huy như: phong trào hiến đất xây dựng các công trình dân sinh; giúp các hộ nghèo, khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi…
Làng văn hóa Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.
Phát huy lợi thế là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng… nhiều địa phương đã triển khai xây dựng NTM gắn với xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, qua đó khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Với nhiệm vụ định hướng cho các làng thực hiện tốt các tiêu chí đề ra, Báo Hà Giang luôn đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền. Với các làng mang đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như đồng bào Mông, Lô Lô, Nùng, Dao, Pu Péo… tập trung cổ vũ, động viên bà con ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như: duy trì các lễ hội, gìn giữ trang phục dân tộc, nghề truyền thống, kiến trúc nhà ở; giữ gìn mối đoàn kết làng xóm, cộng đồng, tích cực bài trừ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu và các văn hóa ngoại lai...
Thông qua tuyên truyền, quảng bá, nhiều làng đã khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc... thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm đời sống của đồng bào. Tiêu biểu như: Làng văn hóa dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) trong 6 tháng đầu năm đón trên 15.000 lượt, khách lưu trú gần 3.000 lượt, doanh thu gần 4 tỷ đồng; Làng văn hóa dân tộc Dao thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) đón trên 6.000 lượt, khách lưu trú đạt 4.184 lượt, doanh thu 1,2 tỷ đồng; Làng văn hóa dân tộc Mông thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn) đón 520 đoàn, gần 5.000 lượt khách lưu trú, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng; Làng văn hóa dân tộc Tày thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) thu hút trên 10.000 lượt, khách lưu trú trên 3.650 lượt, doanh thu ước đạt 2,5 tỷ đồng; Làng văn hóa dân tộc Dao thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì) đón 3.260 lượt, khách lưu trú gần 1.200 lượt, doanh thu ước đạt trên 900 triệu đồng... Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch (Homestay) trung bình đạt 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Về cách thức tuyên truyền xây dựng NTM của Báo Hà Giang luôn có sự đổi mới về nội dung và hình thức các chuyên mục, chuyên trang thông qua các ấn phẩm báo in thường kỳ, báo Hà Giang điện tử, tờ tin ảnh Hà Giang cực Bắc và trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube… Tăng cường các thể loại như phóng sự hình, phóng sự ảnh… nội dung gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó thu hút lượng lớn người dân quan tâm, theo dõi.
Kinh nghiệm và giải pháp tuyên truyền của Báo Hà Giang về xây dựng NTM gắn với xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, đó là:
- Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để có kế hoạch tuyên truyền theo trọng tâm, trọng điểm.
- Đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền trên các loại hình báo chí và trên nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt chú trọng đến các thể loại như phóng sự hình, phóng sự ảnh, chương trình phát thanh trên báo điện tử.
Những ngôi nhà cổ, trình tường ở Làng văn hóa Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn.
- Phát hiện kịp thời những nhân tố mới, điển hình trong xây dựng làng văn hóa tiêu biểu để tuyên truyền các địa phương khác học tập.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính trị xã hội cấp cơ sở trong nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn văn hoá, phát triển du lịch, nâng cao đời sống.
- Tăng cường tuyên truyền quảng bá, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào chương trình xây dựng NTM của tỉnh.
- Cổ vũ, động viên đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, vận động bà con tham gia các phong trào của làng, xã.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong thực hiện nếp sống văn hóa, không nghe theo kẻ xấu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.