(Tham luận của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28 năm 2023)
Sau 12 năm thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022. Diện mạo nông thôn đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn, tạo được không khí xây dựng NTM rộng khắp các miền quê. Đời sống của người dân được cải thiện; văn hóa xã hội, môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Nhằm giúp nông dân, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao với chi phí thấp nhất, nhưng thu về giá trị kinh tế cao từ những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, ngành nông nghiệp Quảng Ninh xác định phải thực hiện chuyển đổi số và coi đây là giải pháp chiến lược, quan trọng để phát triển bền vững với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường trong nước và quốc tế. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được phát triển theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đồng hành cùng với quá trình thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Ninh, thời gian qua,Trung tâm Truyền thông tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; trên tất cả các phương tiện truyền thông mà Trung tâm đang quản lý gồm: Phát thanh, Truyền hình, báo in Quảng Ninh phát hành đều đặn hàng ngày, báo điện tử, Cổng thông tin điện tử tỉnh. Đặc biệt, cả phát thanh, truyền hình Quảng Ninh đều xây dựng các chương trình, chuyên đề riêng tuyên truyền đậm nét về chuyển đổi số trong xây dựng NTM như: Xây dựng Nông thôn mới; Nông dân Quảng Ninh hội nhập. Trên trang 4, Báo Quảng Ninh cuối tuần duy trì đều đặn chuyên mục “Sản phẩm từ làng”, trong đó quảng bá đậm nét về các sản phẩm OCOP và việc tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Hàng tháng, trang Chuyên đề Xây dựng Nông thôn mới trên báo in Quảng Ninh cũng tập trung tuyên truyền về nông thôn mới. Công tác tuyên truyền cũng được thực hiện thường xuyên trên các nền tảng mạng xã hội như như Fanpage “QMG - Tin tức Quảng Ninh 24/7” (hiện có trên 290.000 lượt người theo dõi), kênh Youtube “QTVtube - Quảng Ninh TV” (hiện số lượng người đăng ký theo dõi trên 40.000 người)…
Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc thông tin nhanh, chính xác chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, việc xây dựng và phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; Tuyên truyền các mô hình thí điểm sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; tuyên truyền hoạt động ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng internet vạn vật để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp; hoạt động ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.
Kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng NTM trong quá trình chuyển đổi số với vai trò trọng tâm là người nông dân thời nay, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.
Để tiếp tục phát huy vai trò định hướng dư luận và là kênh thông tin quan trọng để tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân nông thôn - chủ thể của xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về chuyển đổi số trong nông nghiệp:
(1) Tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền trên báo chí nói riêng về Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh.
(2) Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về xây dựng NTM trong quá trình chuyển đổi số với vai trò trọng tâm là người nông dân thời nay tạo thành diễn đàn để các nhà quản lý, nhà chuyên môn, người nông dân và công chúng chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ, ý kiến, kinh nghiệm… trong xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao.
(3) Tuyên truyền về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân vật trọng tâm là người nông dân thời đại 4.0 và một môi trường NTM thông minh, nền nông nghiệp chất lượng cao. Do đó, đội ngũ phóng viên chuyên trách không ngừng nỗ lực, dành nhiều trách nhiệm, tâm huyết hơn nữa tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đi sâu, đi sát tìm hiểu đời sống người dân để phản ánh diễn biến thực tiễn đời sống nông thôn. Các bài viết không chỉ đơn thuần phản ánh sự việc, sự kiện mà còn có những phát hiện nguyên nhân và đưa ra những giải pháp khắc phục; bài viết phải có tính phản biện xã hội cao, định hướng dư luận hiệu quả.