(Tham luận của Báo Kinh tế và Đô thị tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28, năm 2023)
TP Hà Nội luôn xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, nhằm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, và đặc biệt là không ngừng nâng cao đời sống cho người nông dân.
Thấm nhuần tinh thần trên, cụ thể hóa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.
Sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân giai đoạn 2021 - 2025”.
Cụ thể hóa mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU, đến nay TP Hà Nội đã bố trí khoảng 50.000 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là triển khai các giải pháp nhằm nâng cao đời sống cho người nông dân.
Đến nay, sau gần 15 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện, 15/18 đơn vị hành chính cấp huyện của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; TP phấn đấu trong năm 2023 sẽ đưa 3 huyện còn lại về đích.
Bên cạnh đó, 382/382 xã trên địa bàn Hà Nội được Chủ tịch UBND TP trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, toàn TP đã có 111 xã về đích nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Báo Kinh tế và Đô thị là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội. Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ chính trị được TP giao về công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hằng năm, báo Kinh tế và Đô thị xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai.
Để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền về Chương trình số 02-CTr/TU, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, báo Kinh tế và Đô thị dành thời lượng lớn trên các ấn phẩm để đăng tải những nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho người nông dân.
Báo đã xây dựng chuyên trang, thực hiện thông tin, tuyên truyền về các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài chuyên trang hàng tuần về xây dựng nông thôn mới, báo duy trì 1 trang trong số báo ra hàng ngày để tuyên truyền các nội dung về nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Bên cạnh phản ánh những kết quả tích cực đạt được, những điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới, sự tham gia của các sở, ban, ngành cũng như các tầng lớp nhân dân…, báo Kinh tế và Đô thị cũng thường xuyên có những nội dung phản ánh, nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, Chương trình số 04-CTr/TU tại các địa phương, làm cơ sở để Thành ủy - UBND TP Hà Nội nắm bắt, kịp thời chỉ đạo.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, báo Kinh tế và Đô thị đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Thành ủy - UBND TP Hà Nội. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội, cũng như các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP.
Thống kê trung bình mỗi tháng, báo Kinh tế và Đô thị thực hiện gần 100 tin, bài có liên quan đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông tin được thực hiện ngày một chuyên nghiệp, chuyên sâu, thời sự. Phương thức thể hiện cũng ngày một đa dạng. Ngoài ấn phẩm in, báo Kinh tế và Đô thị tăng cường các nội dung tuyên truyền trên báo điện tử Kinh tế và Đô thị và trên nền tảng đa phương tiện (video clip, podcast, e-magazine…).
Có thể nói, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, TP Hà Nội đã xác định truyền thông là một giải pháp quan trọng, vừa song hành, vừa đi trước để chỉ đạo, hướng dẫn và phản ánh thực hiện. Vì vậy, các hình thức tuyên truyền thông qua các kênh báo chí chủ lực, trong đó có báo Kinh tế và Đô thị đã được triển khai đa dạng với sự tham gia của mọi cấp, ngành, đoàn thể.
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp và nhân dân được chú trọng, nhất là về mục đích, ý nghĩa, phương châm, các nội dung và cơ chế, chính sách của chương trình. Công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở được thực hiện gắn liền với việc bàn bạc công khai, dân chủ. Nhờ đó đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Điều này được thể hiện qua kết quả: Trong tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU từ năm 2021 đến nay khoảng 50.000 tỷ đồng, có hơn 2.800 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hoá, từ đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân…
Có thể khẳng định, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy - UBND TP Hà Nội, công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được báo Kinh tế và Đô thị thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, hiệu ứng tích cực đến các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở. Đặc biệt, đã làm thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân; từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Trong bối cảnh mới, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cũng đòi hỏi phải liên tục đổi mới. Công tác thông tin, tuyên truyền vừa cần có những nội dung chung mang tính chỉ đạo và định hướng, vừa phải tính đến khía cạnh đặc thù để phù hợp đặc điểm văn hóa, truyền thống, trình độ phát triển của các cộng đồng dân cư, các vùng miền, cũng như phù hợp theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Thời gian tới, báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp nền tảng kỹ thuật - công nghệ. Nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng hóa hình thức thể hiện. Đổi mới thông tin, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng cụ thể, thiết thực và dễ tiếp cận. Chú trọng truyền thông cô đọng, đơn giản, dễ hiểu và có mục tiêu rõ ràng, cụ thể để thực hiện “tuyên truyền nhân dân”.