Mũi Yến ẩn mình sau những đồi cát ở Bàu Trắng, Bình Thuận, không có dân cư, du lịch chưa phát triển.
Mũi Yến thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách khu du lịch Bàu Trắng khoảng 4 km. Khác với không khí nhộn nhịp của Bàu Trắng với những xe Jeep nhiều màu nối đuôi nhau chở du khách, Mũi Yến còn hoang sơ và chưa có các dịch vụ du lịch. Đoạn đường xuyên qua những đụn cát trắng dẫn du khách đến Mũi Yến với những ngọn đồi đủ hình thù vươn ra biển Hòa Thắng. Nhờ địa hình đồi thoai thoải, Mũi Yến là bãi cắm trại ven biển lý tưởng cho những du khách muốn hòa mình với thiên nhiên hoang sơ.
Đường từ TP HCM đến Mũi Yến đi ngang qua nhiều cảnh đẹp ở duyên hải Nam Trung Bộ. Trong ảnh là cánh đồng thanh long xanh mướt ở Bình Thuận.
Cuối tháng 8, một nhóm du khách TP HCM có chuyến cắm trại cuối tuần ở Mũi Yến với hành trình 237 km, chủ yếu trên cao tốc TP HCM - Dầu Giây - Phan Thiết. Thay vì chạy xe liên tục, nhóm du khách "di chuyển thong thả” để tận hưởng nhiều cảnh đẹp trên đường đi.
Nhóm dừng chân chặng đầu ở Long Khánh, Đồng Nai, cách Dầu Giây 11 km, ăn sáng tại một quán có tiếng. Sau một giờ chạy xe trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, họ nghỉ ăn trưa tại một nhà hàng ven biển ở Phan Thiết. Trên đường đến Mũi Yến, nhóm ghé một quán hải sản ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, mua tôm, mực, ốc hương tươi sống để chuẩn bị cho buổi tối cắm trại bên bờ biển. Trong phạm vi cách Mũi Yến 15-20 km không có dân cư sinh sống, du khách cần chuẩn bị đồ dùng cá nhân, nhu yếu phẩm trước chuyến cắm trại tại đây. Trong ảnh là khung cảnh một làng chài ở Hòa Thắng, cách Mũi Yến hơn 30 km.
Đi qua Bàu Trắng, du khách rẽ vào một đoạn đường chừng 3 km nhiều dốc cát, đá dăm, đá tảng để đến Mũi Yến. Anh Xuân Tiến, thành viên trong nhóm du khách nói đây là đoạn nguy hiểm nhất cả quãng đường, nên di chuyển bằng ôtô hai cầu nếu tay lái không đủ vững. Sau 7 giờ di chuyển từ TP HCM, nhóm có mặt ở Mũi Yến lúc 15h và bắt đầu dựng trại. Thời tiết ở Mũi Yến những ngày cuối tháng 8 ban ngày nắng ráo, gió to, từ chiều đến tối thường có mưa. Du khách ngại những cơn mưa bất chợt nên ghé địa điểm này vào khoảng tháng 11 đến tháng 3, thời tiết khô ráo cả ngày. Khi ấy, bạn có thể chiêm ngưỡng được cả bình minh và hoàng hôn ở Mũi Yến.
Vì còn hoang sơ, khu vực này thưa người đến cắm trại qua đêm. Dù là cuối tuần, mũi đất ven biển chỉ có 3-4 nhóm nhỏ dựng lều, các nhóm đều di chuyển bằng ôtô và đem theo đồ cắm trại tự túc. Nhóm anh Tiến nhanh chóng tìm được điểm dựng lều trên một bãi đất cao, bằng phẳng. Dựng lều dưới trời nắng không một bóng cây nhưng “không cảm thấy nóng và mất sức do gió biển mát rượi thổi vào bờ liên tục”. Anh Tiến nói khi dựng lều cần xác định đúng hướng gió, để gió đi xuyên qua hai cửa lều, đảm bảo lều đứng vững trong suốt thời gian khách lưu lại đây. Ngoài các lều ngủ cá nhân, nhóm dựng thêm một lều lớn ở trung tâm bãi cắm trại, gần bếp, làm nơi ăn uống, không gian sinh hoạt chung.
Lều ngủ được dựng trên bãi đất bằng phẳng, nhiều cỏ. Cần dọn sạch đá nhọn để tránh làm rách lều. Du khách có thể chọn loại lều tự động bung để tiết kiệm thời gian dựng.
Cắm trại theo hình thức tự túc, nhóm chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Đồ dùng gồm có bàn gấp gọn, bộ đồ nấu ăn với xoong, chảo, ấm nước, giá treo, đèn tích điện, trạm sạc, ghế ngồi, 80 lít nước ngọt, đồ ăn. Khu vực này chưa phát triển các dịch vụ nên mọi hoạt động vệ sinh cá nhân đều "lộ thiên". Nếu xe đủ diện tích, du khách có thể lựa chọn mang theo lều tắm, vòi dẫn nước. Hoặc chỉ cần lau người bằng khăn ướt và rửa mặt cũng đủ sạch do không khí ngoài biển rất trong lành. Vì cắm trại tự túc ở nơi vắng vẻ, du khách nên đi theo nhóm có nam giới, không mang theo nhiều đồ giá trị cao, dựng lều gần nhau để chủ động hỗ trợ trong mọi tình huống.
Nhóm 7 người đem theo 10 kg than củi để nấu nướng trong hai ngày cắm trại. Những người đến đây trước đó đã dựng bếp nên không mất thời gian dựng lại, bếp đơn giản là những tảng đá bao quanh, khoảng trống ở giữa để than, dùng cồn khô để tạo lửa. Thực đơn cho bữa tối là 2 kg thịt heo ướp sẵn, hải sản địa phương với mực một nắng, tôm, ốc hương, trái cây và đồ ăn vặt.
Anh Tiến cho biết đang nướng đồ ăn thì cơn mưa lớn bất chợt ập tới, mọi người nhanh chóng thu dọn đồ ăn vào lều tổng. Mưa lớn kèm theo gió mạnh liên tục trong nửa tiếng, có lúc anh phải ngồi xổm, lấy lưng làm trụ giữ lều để gió không quật sập lều. Trận mưa lớn ngớt dần, sau đó ngắt quãng cứ 10-15 phút tạnh rồi lại mưa. Đến khoảng 22h trời tạnh hẳn.
Sau cơn mưa lớn, nhóm tiếp tục quây quần bên bếp lửa nướng đồ ăn, ngồi ngắm sao, đàn hát. Lúc này trời quang mây, nhìn rõ một biển sao, khung cảnh không thể thấy được ở thành phố lớn ô nhiễm ánh sáng.
“Đây là lần đầu tôi được trải nghiệm cắm trại ven biển lúc trời mưa to gió lớn. Vì chuẩn bị khá kỹ càng nên các hoạt động của nhóm không bị gián đoạn quá nhiều bởi cơn mưa. Ngược lại chúng tôi còn tận hưởng nó, mọi người đàn hát ngân nga dưới cơn mưa xối xả, ngoài xa là tiếng sóng vỗ rì rào. Những âm thanh của thiên nhiên rất tuyệt”, anh Trung, thành viên trong nhóm cắm trại nói.
Càng về đêm, nhiệt độ ngoài biển càng xuống thấp, khoảng 22-24 độ C, thêm gió lộng. Nếu đến đây, du khách nên mang theo áo khoác, chăn nhỏ, nệm hơi. Buổi tối ngủ nên đóng kín lều.
Sau giấc ngủ ngon bên bờ biển, hoạt động được mong chờ nhất là ngắm bình minh. Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, mặt trời không ló dạng do tầm nhìn và không gian bị ảnh hưởng từ trận mưa lớn đêm trước. Mọi người tận hưởng buổi sáng bằng những ly cà phê pha phin, nghe nhạc và ngắm biển từ mỏm đá cao nhất bãi cắm trại.
Gần khu cắm trại có hai bãi biển, sóng vỗ tung bọt trắng xóa. Trước khi thu dọn đồ đạc, vài người trong nhóm ra bãi có hang đá vui chơi, tắm biển. Bãi biển ở đây có khá nhiều mỏm đá ngầm sắc nhọn, sóng mạnh, du khách không nên tắm xa bờ. Bù lại, xung quanh có vô vàn góc chụp ảnh đẹp với biển sóng vỗ, nắng giòn cùng đồi cỏ xanh.
Khoảng 10h, nhóm bắt đầu dỡ trại, thu dọn đồ đạc. Toàn bộ rác được gom vào một bao bố lớn chất lên nóc xe để chuyển về thành phố Phan Thiết, bỏ vào thùng rác công cộng dọc đường. “Di chuyển xe ra khỏi bãi cắm trại khó và nguy hiểm hơn lúc vào vì đường dốc lên toàn sỏi, đá dăm, cát”, anh Tiến nói. Anh phải quay ngược đầu xe, đi lùi, xoay xở đánh lái 10-15 phút mới lên được con dốc an toàn.
Hai ngày là vừa đủ cho chuyến hành trình cắm trại ở Mũi Yến. Điểm đến hoang sơ này không dành cho những ai thích sự tiện nghi, nhưng phù hợp với những người muốn tạm xa cuộc sống thành thị náo nhiệt, hòa mình với thiên nhiên. Nếu muốn chuyến đi dài ngày và nhiều hoạt động hơn, du khách có thể dành thêm một ngày đi chơi ở Phan Thiết hoặc Mũi Né trước khi đến Mũi Yến cắm trại.
(Theo Vnexpress, ngày 24/8/2023)