Chuyển đổi số (CĐS) đã và đang đem lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Phúc Yên hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.
Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên ứng dụng VssID-BHXH số, anh Vũ Văn Hải ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên đã thực hiện xong thủ tục đề nghị gia hạn thẻ BHYT mà không cần phải trực tiếp tới cơ quan BHXH.
Anh Hải cho biết: “Trước đây, mỗi lần tới hạn đóng BHXH tự nguyện hoặc gia hạn thẻ BHYT, tôi đều phải tới cơ quan BHXH để thực hiện. Giờ đây, các thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chỉ thực hiện vài thao tác đơn giản trên điện thoại, tôi đã hoàn thành các bước nộp hồ sơ trực tuyến, đóng lệ phí; rất thuận tiện và tiết kiệm thời gian, công sức đi lại”.
Thực hiện mục tiêu “Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân”, một trong những giải pháp trọng tâm đã và đang được ngành BHXH Vĩnh Phúc quyết liệt triển khai đó là đẩy mạnh CĐS, từng bước hoàn thiện “Hệ sinh thái BHXH 4.0”.
Hiện nay, 100% TTHC của ngành đã được cung cấp trực tuyến, trong đó có 4 TTHC được triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ gồm: Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, giúp 100% trẻ em trên địa bàn được cấp thẻ BHYT ngay khi đăng ký khai sinh; gia hạn thẻ BHYT, đóng tiếp BHXH tự nguyện; liên thông bộ TTHC "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí"; kê khai đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN qua giao dịch điện tử; giúp cắt giảm tối đa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các TTHC liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ của ngành; giảm áp lực cho đội ngũ cán bộ, công chức; giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ.
Công tác tuyên truyền được BHXH tỉnh chú trọng đẩy mạnh nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến BHXH, BHYT; nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt...
BHXH tỉnh đẩy mạnh chia sẻ, cập nhật thông tin giữa cơ sở dữ liệu của ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đến nay, đã có khoảng 85% dữ liệu của người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là cơ sở rất quan trọng để người dân thực hiện các TTHC liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN một cách thuận lợi; dễ dàng xác thực các thông tin về BHXH, BHYT, BHTN của bản thân mà không cần tới cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, BHXH Vĩnh Phúc tích cực phối hợp với ngành Y tế triển khai khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế cho thẻ BHYT giấy, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh BHYT.
Hiện đã có 172/180 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tra cứu thành công dữ liệu BHYT của người bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 95,6%) với hơn 300.000 lượt tra cứu thành công. Việc triển khai ứng dụng VssID từ cuối năm 2020 là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS của ngành BHXH.
VssID được tích hợp nhiều tính năng tiện ích giúp người dùng có thể tra cứu thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình; hỗ trợ 24/7 qua hệ thống chatbox trả lời tự động hoặc tổng đài của ngành BHXH; người dùng có thể dùng hình ảnh thẻ trên ứng dụng để khám, chữa bệnh thay thế thẻ BHYT giấy… Đến nay, đã có hơn 40% số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh cài đặt VssID.
Phó Giám đốc BHXH Vĩnh Phúc Nguyễn Duy Phương cho biết: “Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, đây là thành công rất lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành BHXH.
Trong bối cảnh đó, CĐS là giải pháp trọng tâm, tiên quyết để đổi mới phương thức hoạt động của ngành, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết kịp thời, chính xác các chế độ chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Những kết quả bước đầu trong công tác CĐS của BHXH Vĩnh Phúc đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện hơn”.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, BHXH Vĩnh Phúc tiếp tục bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ CĐS. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, phấn đấu đến ngày 31/10/2023 có 100% người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh được đồng bộ dữ liệu với căn cước công dân gắn chíp.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID để có thể kiểm soát quá trình tham gia đóng hưởng BHXH, BHYT, BHTN và thực hiện các TTHC của ngành một cách thuận lợi.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, bảo đảm thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; đa dạng các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến ngành BHXH đang thực hiện.
Khai thác và sử dụng hiệu quả các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, phần mềm nghiệp vụ; triển khai công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip và trên dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN…
Bài, ảnh: Lê Mơ