Sạt lở đất là loại hình thiên tai nguy hiểm, diễn ra rất nhanh, bất ngờ, thường gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân. Trước những diễn biến của khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay, công tác phòng, chống sạt lở đất được tỉnh đặc biệt chú trọng, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Vĩnh Phúc chủ động phòng chống tình trạng sạt lở đất để hạn chế những thiệt hại đáng tiếc. (Ảnh: Khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đất trên Quốc lộ 2B đường lên thị trấn Tam Đảo)
Hiểm họa khôn lường
Những năm gần đây, thảm họa sạt lở đất đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân cả nước mỗi khi mùa mưa đến. Chỉ tính riêng trong năm nay, những ngày qua, các vụ sạt lở đất đá, sụt lún liên tiếp xảy ra tại các địa phương trong cả nước, gây thiệt hại nặng về người và tài sản.
Trưa 30/7, tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy dương tại Km103+100. Vụ sạt lở làm vùi lấp 1 trụ sở trạm cảnh sát giao thông nằm giữa đèo Bảo Lộc, vùi lấp 4 người (gồm 3 chiến sĩ công an và 1 người dân), hư hỏng 3 xe ô tô; chia cắt hoàn toàn giao thông qua đèo Bảo Lộc.
Sáng 4/8, xe ô tô mang BKS 26A-052.81 do ông L.H.H. trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La điều khiển trên Quốc lộ 6. Đến Km128+750 (địa phận xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) thì gặp sạt lở, tảng đá lớn nặng hàng tấn từ trên cao lăn xuống rơi trúng xe. Tại hiện trường, phần đầu ô tô bị đá đè biến dạng, kính sau vỡ và xe bị đẩy sát vào dải hộ lan ven đường. Ông L. và 3 người khác ngồi trong xe may mắn không bị thương.
Cũng trong ngày 4/8, cơn mưa lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng ở khu vực xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội khiến nhiều ô tô bị bùn, đất vùi lấp ngang thân, ước tính thiệt hại không nhỏ.
Mới đây nhất, chiều 5/8, tại các xã Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái (giáp ranh với huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) có mưa to và rất to, xảy ra lũ ống, sạt lở taluy dương nghiêm trọng. Thiên tai đã gây tắc đường trên tuyến Quốc lộ 32. Đến 10 giờ sáng 6/8, các phương tiện không thể qua lại, kể cả đi bộ. Theo thông tin ban đầu, mưa lớn đã làm sạt lở đất, đá lăn vào nhà dân, làm 2 cháu nhỏ của một hộ gia đình dân tộc H'Mông ở xã Khao Mang tử vong và nhiều tài sản khác bị vùi lấp.
Tại Vĩnh Phúc, ngày 25/5/2022, trong lúc người dân dọn dẹp, khắc phục ảnh hưởng do đợt mưa lớn gây ra, một vụ lở đất bất ngờ xảy ra làm sập một ngôi nhà tại khu vực đồi núi xã Kim Long, huyện Tam Dương khiến 3 người tử vong, 1 người bị thương.
Cũng trong năm 2022, dưới ảnh hưởng của cơn mưa với lượng mưa đo được lên tới 194 mm cộng thêm các trận mưa trước đó vài ngày, sáng 26/8, trên tuyến quốc lộ 2B đường lên thị trấn Tam Đảo xuất hiện khoảng 15 điểm sạt lở lớn, nhỏ. Trong đó, nặng nhất là điểm sạt lở tại Km20 với khối lượng khoảng 300 m3 đất đá từ trên núi trượt xuống cùng cây cối gãy đổ làm tê liệt giao thông cả đường lên và đường xuống thị trấn.
Gần đây nhất, ngày 28/6/2023, xảy ra sự cố sạt trượt bờ hữu sông Phó Đáy, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch; trong đó, các hạng mục công trình kè mới xây dựng khu vực đền Mẫu thuộc công trình xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II bị sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng, vết nứt đã xuất hiện ở sân đền và đang có xu hướng phát triển rộng.
Những con số thống kê đã phần nào khẳng định sạt lở đất là vấn đề nghiêm trọng mà con người đang phải đối mặt trong thời gian qua. Đồng thời, đòi hỏi cần phải có sự quan tâm hơn nữa đối với công tác phòng, chống sạt lở đất, đặc biệt mỗi khi mùa mưa đến.
Chủ động ứng phó
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, nhằm chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất gây ra, UBND tỉnh vừa có công văn gửi tới các đơn vị liên quan về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ.
Theo đó, Công văn số 5534/UBND-NN của UBND tỉnh có nội dung: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 607/CĐ-TTg về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và kết cấu hạ tầng.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Công điện 607/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2023.
Tổ chức kiểm tra rà soát các khu vực dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông suối, kênh, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm hạn chế thiệt hại về người, tài sản, kết cấu hạ tầng.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở gây ra.
Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở và thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo phòng chống thiên tai tại các công trường xây dựng thuộc phạm vi quản lý, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông suối, sườn dốc.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra giám sát việc cấp phép, khai thác đất, đá, cát sỏi trên sông suối để hạn chế xảy ra sạt lở; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất đá cát sỏi trái phép, tập kết vật liệu xây dựng trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo kiểm tra công tác đảm bảo anh toàn tại các công trường xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông suối, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chày, thoát lũ.
Công an tỉnh tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát sỏi trên sông, suối trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan thông tin truyền thông phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, tăng cường phổ biến pháp luật về phòng chống thiên tai, sạt lỏ, hướng dẫn cho người dân kỹ năng ứng phó sạt lở…
Các nội dung chỉ đạo đã rất cụ thể. Điều quan trọng là các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc và trách nhiệm. Có như vậy mới hạn chế những vụ việc đáng tiếc, qua đó góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ