Sáng 28/7, Hội Người mù tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện 2 cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” và “Chương trình hành động việc làm – giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2008 -2023 do Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát động.
Lãnh đạo Hội Người mù tỉnh trao Giấy khen cho các tập thể đã có thành tích trong thực hiện hai cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng” và “Chương trình hành động việc làm - giảm nghèo bền vững”. Ảnh: Dương Chung
Trong 15 năm thực hiện 2 cuộc vận động nêu trên, Hội Người mù tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỉnh hội đã mở 9 lớp phục hồi chức năng, xóa mù chữ nổi Braille; 18 lớp học nghề tẩm quất cổ truyền; 16 lớp tin học văn phòng; 8 lớp tẩm quất nâng cao; 8 lớp nghề truyền thống chổi chít, tăm tre; 2 lớp thanh nhạc… cho hơn 500 lượt học viên, với kinh phí giáo dục, đào đạo lên tới hàng tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2008- 2023, hội đã lập và phê duyệt 113 dự án với tổng số vốn quay vòng hơn 6,6 tỷ đồng, thu hút được hơn 900 lượt người vay.
Hội chủ động đề xuất nguồn vốn ủy thác của tỉnh là 1 tỷ đồng, triển khai được 23 dự án cho 66 lượt người vay.
Người mù được vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực đã giúp cho người mù và gia đình có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện.
Ngoài ra, Tỉnh Hội tranh thủ sự giúp đỡ của MTTQ tỉnh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi hỗ trợ vốn để mua bò sinh sản với tổng số 75 con bò, trị giá 600 triệu đồng.
Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Trường Sinh trao 21 suất quà tặng trẻ em khiếm thị đang nội trú tại Trung tâm Giáo dục-Giáo dục nghề nghiệp Hội Người mù tỉnh. Ảnh: Dương Chung
Chương trình việc làm - xóa đói giảm nghèo được triển khai bằng nhiều hình thức với các giải pháp đồng bộ; khuyến khích các Huyện Hội thành lập các cơ sở sản xuất tập trung, sản xuất những mặt hàng truyền thống như tăm tre, chổi chít…
Đến nay, toàn tỉnh có 33 cơ sở sản xuất, dịch vụ kinh doanh; mặt hàng chủ yếu là làm tăm vip, chổi chít và nghề tẩm quất xoa bóp bấm huyệt; trong đó, 5 tổ nhóm do hội quản lý và 28 cơ sở do hội viên tự quản lý.
Doanh thu của các cơ sở mỗi năm đạt hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 hội viên, với mức thu nhập 2,5 -3 triệu đồng/ người/ tháng.
Năm 2007, tỷ lệ người mù nghèo trên 26%; đến nay, tỷ lệ người mù nghèo trong toàn hội giảm còn 81/1836 hội viên, chiếm 4,4%.
Trong giai đoạn 2008 - 2023, các cấp hội tranh thủ được sự giúp đỡ của Trung ương Hội, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với vận động các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm trong tỉnh về kinh phí, tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc đời sống hội viên nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6... với tổng số hơn 5.300 suất quà, trị giá hơn 700 triệu đồng; xây dựng 50 ngôi nhà đại đoàn kết, tặng 68 sổ tiết kiệm cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù Việt Nam đã biểu dương và ghi nhận những kết quả mà các cấp hội người mù Vĩnh Phúc đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng thời nêu lên những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đó là: Các cấp Hội Người mù tỉnh tiếp tục tăng cường khảo sát kết nạp người mù vào tổ chức hội; hằng năm, căn cứ chỉ tiêu đào tạo và huy động các nguồn lực khác để mở các lớp dạy chữ, xóa mù chữ Braille và dạy nghề cho hội viên.
Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cán bộ hội, nhất là người đứng đầu cần gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện cuộc vận động; xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.
Nhân dịp này, 4 tập thể, 15 cá nhân được trao tặng Giấy khen của Hội Người mù tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện 2 cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” và “Chương trình hành động việc làm – giảm nghèo bền vững giai đoạn (2008 -2023).
Bích Huệ