Sau thời gian tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), qua tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh, đã có gần 4.000 ý kiến tham gia góp ý để hoàn chỉnh dự thảo. Các ý kiến đóng góp cơ bản tập trung vào một số nội dung như quy định về cơ chế, giá đất hỗ trợ tái định cư; giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất…
Ông Kim Nam, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp góp ý về những chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là chủ trương có ý nghĩa quan trọng nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân đối với toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung, kỹ thuật trình bày của dự thảo (có 16 chương, 236 điều), trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề trọng tâm.
Tại hội nghị góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của thành viên Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ tỉnh gần đây, ông Nguyễn Đức Tẩm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy góp ý về vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên trong tham gia quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương, riêng cấp xã nên có ý kiến tham gia của Ban công tác mặt trận ở khu dân cư (thôn, tổ dân phố) để đảm bảo tính dân chủ khách quan.
Ông Kim Nam, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp góp ý về những chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; dự thảo luật cần giải thích rõ các tiêu chí lợi ích công cộng để tránh việc lạm dụng của tư nhân, phân định rõ từng loại đất để tránh mất cân bằng về giá, không cào bằng giá bồi thường giữa các dự án nhà nước và tư nhân, nhất là các dự án đất đô thị, tránh thất thu ngân sách nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho nhân dân; bổ sung thêm nội dung nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đồng quan điểm với các ý kiến trên, luật sư Tạ Ngọc Toàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc góp ý: "Việc thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức và quyền lợi của người dân, là lĩnh vực nhạy cảm. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của từng địa phương cần có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH".
Luật sư Tạ Ngọc Toàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều góp ý tâm huyết vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Để góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan, các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức 175 hội nghị, hội thảo; đã có 3.840 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.
Về bố cục và kỹ thuật soạn thảo của dự thảo luật, một số ý kiến cho rằng, bố cục của dự thảo luật chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa các chương, như Chương VIII có 6 Điều, Chương XII có 48 Điều, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét rà soát, bố cục lại để đảm bảo tính cân đối.
Dự thảo luật quy định Điều 235 là điều khoản chuyển tiếp, nhưng trong dự thảo luật lại có nhiều điều có nội dung quy định về chuyển tiếp, như: Điều 53, Điều 62… đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sắp xếp chuyển các điều luật có nội dung chuyển tiếp về quy định tại Điều 235 để thuận tiện cho việc tra cứu thực hiện pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Tuấn Khanh cho biết: "Là cơ quan tiếp nhận và tổng hợp các ý kiến góp ý của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố và các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy trình công tác lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo luật.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; việc lấy ý kiến được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng, là cơ sở để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tăng cường tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, hướng đến sự công bằng, hài hòa lợi ích trong quản lý và sử dụng đất; giải quyết những bất cập trong chính sách quản lý đất đai hiện nay".
Bài, ảnh: Hoàng Hà