Các cuộc họp lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của chính quyền các cấp huyện Bình Xuyên vừa qua đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ tập thể, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu bức thiết, phù hợp với xu thế phát triển; đặc biệt sát với tình hình thực tiễn của địa phương nói riêng, của tỉnh và cả nước nói chung.
Người dân thôn Hương Vị, xã Hương Sơn (Bình Xuyên) thảo luận, góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Kiền, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Bình Xuyên, qua 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập so với tình hình thực tế ở nhiều địa phương hiện nay.
Việc lấy ý kiến đóng góp của đông đảo người dân vào Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ đáp ứng được nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển KT - XH. Cùng với đó, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp (DN); tạo điều kiện tiếp cận đất đai bình đẳng và minh bạch.
Người dân trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã có nhiều ý kiến tham gia đóng góp khá toàn diện. Trong đó tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất….
Đối với Dự thảo quy định về các căn cứ thu hồi đất, nhiều người dân đề nghị bổ sung thêm căn cứ phải thu hồi đất là: Trong trường hợp thu hồi đất mà diện tích còn lại nhỏ, hẹp, khó cho việc sử dụng, sinh hoạt, sản xuất, canh tác... mà người sử dụng đất có đơn đề nghị thu hồi nốt phần diện tích này thì cũng là một trong những căn cứ để thu hồi.
Đây là vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thu hồi đất hiện nay. Tại Điều 156 Dự thảo cần quy định giới hạn rõ về diện tích hoặc quy mô dự án ở mức nào thì mới thành lập Hội đồng thẩm định để tránh lãng phí trong thẩm định giá đối với diện tích, quy mô dự án nhỏ.
Đối với quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, đề nghị bổ sung thêm: “Phải có sự đồng thuận của nhân dân”. Với lý do, khi thu hồi đất để cấp cho các dự án kinh tế mà không có sự đồng thuận của nhân dân thì rất khó khăn và nhiều khi xuất hiện lợi ích nhóm.
Ông Nguyễn Khắc Đào, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thiện Kế cho biết: “Qua tham khảo ý kiến của người dân các địa phương, nhiều ý kiến đóng góp đều sát với tình hình thực tiễn.
Trong đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những phương thức để quản lý Nhà nước, là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất…, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng đất của người dân nói chung và người sử dụng đất nói riêng.
Người dân đề nghị cần thể hiện trong dự án Luật Đất đai nguyên tắc công khai, minh bạch trong quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kết quả xử lý vi phạm về đất đai để người dân giám sát thông qua việc có ý kiến trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp và các đoàn thể nhân dân.
Cần làm rõ Khoản 1, Điều 72 như đề nghị nêu rõ nguyên tắc khi bồi thường về "Giá trị đất hoặc tiền bồi thường phải bằng hoặc cao hơn giá trị đất cũ khi Nhà nước thu hồi đất"; đề nghị bổ sung tại Khoản 2, Điều 89, dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định trước khi thu hồi đất phải xây dựng khu tái định cư.
Tại Điều 106, dự thảo Luật quy định về các điều kiện để xây dựng các khu tái định cư (hạ tầng kỹ thuật, xã hội; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền)…; cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tái định cư tối đa bao lâu để tránh ở tạm thành ở thật; tái định cư phải bố trí tại các địa bàn khác có điều kiện tương đương, vậy cần cụ thể “điều kiện tương đương”.
Khi Nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Nhà nước cần có quy định cụ thể hơn về cách thức xác định giá để đảm bảo hài hòa lợi ích của người có đất.
Từ đó, từng bước hạn chế các khiếu kiện lâu dài, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp, phải cưỡng chế. Cùng với đó, cần quy định rõ về chế độ chính sách để ổn định đời sống người dân sau khi Nhà nước thu hồi đất như chính sách đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người lao động có đất bị thu hồi.
Quy định rõ hơn hình thức thông báo công khai, rộng rãi việc đấu giá quyền sử dụng đất trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng văn bản đến toàn thể nhân dân (tránh thông báo nội bộ) để mọi người dân có quyền tham gia đấu giá đất theo quy định của Nhà nước khi có nhu cầu sử dụng đất, tránh tình trạng các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp, nhà đầu tư chạy dự án làm thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.
Về giá đất, đề nghị công bố và niêm yết công khai bảng giá đất hàng năm (mỗi năm1 lần), vào đầu năm, để người dân được biết, tra cứu và sát với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với việc xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, đề nghị bổ sung thêm Khoản 3, Điều 228: Các trường hợp vi phạm đất đai đã xử lý vi phạm hành chính mà chưa thực hiện tháo dỡ, giải tỏa, khi có các dự án thu hồi đất của Nhà nước thì không được nhận các khoản hỗ trợ, tiền đền bù theo quy định Nhà nước…
Các cuộc lấy ý kiến đóng góp của người dân trên địa bàn huyện Bình Xuyên thể hiện sự tâm huyết, nguyện vọng của người dân là hoàn toàn chính đáng. Việc tổ chức lấy ý kiến người dân được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch và thực chất, đảm bảo đúng tiến độ, từng bước góp phần giảm thiểu những bất cập trong chính sách quản lý đất đai hiện nay.
Bài, ảnh: Thành An