Bài 3: Những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc sau 60 năm ngày Bác Hồ về thăm
Đã 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, Vĩnh Phúc không chỉ quan tâm, tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, mà còn không ngừng dành tối đa nguồn lực đầu tư thúc đẩy các ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo sự hài hòa cùng phát triển trong cơ cấu kinh tế - đa dạng thu hút đầu tư, hướng tới sự phát triển bền vững.
Vĩnh Phúc thực hiện lời căn dặn của Bác
Để xứng đáng với lời căn dặn của Người, 60 năm qua, trong đó có hơn 36 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện.
Khi tái lập năm 1997, từ một tỉnh thuần nông, hôm nay Vĩnh Phúc là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, một trong số ít các tỉnh, thành phố có giá trị sản xuất công nghiệp và tổng thu ngân sách cao trong cả nước.
Trong giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt khá cao, bình quân tăng 13,4%/năm, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng 20,13%/năm (riêng công nghiệp tăng 21,44%/năm), ngành dịch vụ tăng 9,72%/năm và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,85%/năm. Riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 8,29% (đứng thứ 9 cả nước).
Diện mạo đô thị trung tâm Vĩnh Phúc ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh. Ảnh: Khánh Linh
Đặc biệt, năm 2022 kinh tế-xã hội của tỉnh phục hồi ấn tượng sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng mạnh mẽ, cả 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,54%, là mức cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn bình quân chung cả nước tăng 8%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông-lâm-thủy sản đều theo hướng giảm. Năm 2022, tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 64,43%, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 28,72% và khu vực nông-lâm-thủy sản chiếm khoảng 6,85%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng trưởng rõ rệt theo từng năm, từng giai đoạn. Năm đầu mới tái lập chỉ đạt 114 tỷ đồng và từ khi tái lập tỉnh đến nay, mặc dù nhiều thời điểm gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh... nhưng Vĩnh Phúc luôn nằm trong TOP các địa phương trong cả nước có số thu cao nhất, là 1 trong 16 tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương và tỷ lệ điều tiết của tỉnh khá cao, đạt 47%.
Đơn cử như, giai đoạn từ 2016-2021, số thu ngân sách của tỉnh bình quân hằng năm đạt từ 32-33 nghìn tỷ đồng, đặc biệt năm 2019 đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 32,59 nghìn tỷ đồng (thu nội địa đạt 27,86 nghìn tỷ đồng). Năm 2021 đạt 33.077 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt 28.410 tỷ đồng. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán được giao và xác lập kỷ lục mới với hơn 40 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước nay...
GRDP bình quân đầu người liên tục tăng trưởng, vượt mức bình quân của cả nước; năm 2020 đạt 105,5 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.500 USD), cao gấp 1,73 lần so với mức trung bình của cả nước (2.779 USD), đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước.
Theo đó, năm 2021, đạt 115,12 triệu đồng/người/năm (khoảng hơn 4.800 USD), cao gấp 52,81 lần so với GRDP bình quân đầu người năm 1997 (năm 1997 đạt 2,18 triệu đồng/người/năm). Riêng năm 2022, ước đạt gần 5.500 USD/người (đứng thứ 5 vùng đồng bằng Sông Hồng, thứ 9 cả nước).
Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư.
Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; triển khai và duy trì thường xuyên chương trình “Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân hằng tuần”...
Ngành công nghiệp điện tử tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ mới của nền kinh tế Vĩnh Phúc (Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Star Engineer, KCN Bình Xuyên). Ảnh: Khánh Linh
Đến nay, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng rất cao, năm 1998, trên địa bàn tỉnh mới chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI). Năm 2022, Vĩnh Phúc thu hút được 453 triệu USD vốn FDI (đạt 107% kế hoạch) và 12.500 tỷ đồng vốn DDI, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.278 dự án, trong đó, có 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,53 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997, Vĩnh Phúc chỉ có 91 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 57 tỷ đồng; năm 2021 có hơn 13 nghìn doanh nghiệp (tăng 141 lần so với năm 1997) với số vốn đăng ký đạt hơn 150 nghìn tỷ đồng; năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 1.300 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 21 nghìn tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 13.500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký hơn 160 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 9.500 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương hơn 70% doanh nghiệp đăng ký thành lập) đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho nhân dân trong tỉnh.
Thời điểm tái lập tỉnh mới chỉ có 1 Khu công nghiệp Kim Hoa với quy mô 50 ha, đến nay, toàn tỉnh hiện có 16 cụm công nghiệp, tổng diện tích 423,974 ha được UBND tỉnh giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh.
Vĩnh Phúc - thành phố trực thuộc Trung ương tương lai
Diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương đang dần hiện hữu… Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện. Nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc.
Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đã đạt được những kết quả quan trọng. Vĩnh Phúc đã huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức và người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 61 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.
Hạ tầng giao thông thường xuyên được đầu tư, nâng cấp. Các tuyến đường quốc lộ đều được nhựa hóa 100%; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đều được cứng hóa 100% và các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp. Các tuyến giao thông nông thôn đến nay đã kiên cố hóa đạt 95% và giao thông nội đồng cứng hóa đạt 65%.
Sự nghiệp văn hóa - xã hội; các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân vươn ngang tầm yêu cầu phát triển.
Hiện nay, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo (du lịch MICE), du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn… đã và đang được phát triển.
Vĩnh Phúc hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Khánh Linh
Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực, các chỉ số chung của toàn tỉnh đều vượt các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Vĩnh Phúc có nhiều học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia ổn định ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại Vĩnh Phúc được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất ngành Y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến như đầu tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn.
Về quốc phòng an ninh, luôn được củng cố, tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Hằng năm, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các phong trào thi đua yêu nước thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp triển khai. Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 120/120 xã, thị trấn.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: 60 năm qua, thực hiện lời căn dặn của Bác “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông thành một tỉnh công nghiệp - một trung tâm công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy của cả nước. Những địa danh in dấu chân Bác Hồ về thăm trước đây như Vĩnh Yên, Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Phúc Yên nay đều là địa phương phát triển, địa danh đáng sống.
Với quan điểm xuyên suốt “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn tìm tòi đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung vào những yêu cầu cấp bách, những vấn đề khó, vấn đề mới; tăng cường thu hút, trọng dụng nhân tài; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: “Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục giữ vững tăng trưởng cao đối với các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội với các giải pháp đồng bộ”, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 đã đề ra.
Theo đó, Vĩnh Phúc tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; tiếp tục tập trung xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực; bám sát tình hình trong và ngoài nước để kịp thời điều hành dự toán ngân sách tỉnh cho phù hợp với năm 2023”.
Kế Nghiệp - Xuân Hiền