Với số lượng vụ tấn công mạng gia tăng nhanh chóng cùng cách thức tấn công ngày càng tinh vi, an ninh mạng là một trong những vấn đề cần được chú trọng của thời đại mới. Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hàng loạt động thái như xây dựng chính sách, đầu tư đổi mới sáng tạo... nhằm tăng cường hiệu quả của cuộc chiến chống tội phạm mạng.
Các thiết bị kỹ thuật số đang là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng
EU gần đây đã đề xuất một dự luật về bảo đảm an ninh mạng, đánh dấu bước đi mới của khối này hướng đến xây dựng không gian mạng an toàn hơn cho người sử dụng. Theo đó, máy tính xách tay, tủ lạnh và các ứng dụng điện thoại, thiết bị thông minh được kết nối internet phải trải qua quy trình đánh giá rủi ro về an ninh mạng. Dự luật này cũng quy định các công ty có thể bị phạt lên tới 15 triệu euro hoặc khoản tiền tương đương với 2,5% tổng doanh thu toàn cầu của hãng nếu không thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh mạng. Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton (T.Bre-tơn) nhận định, hiện nay, nhiều thiết bị kỹ thuật số như máy tính, điện thoại, thiết bị gia dụng... đang có nguy cơ là mục tiêu của các vụ tấn công mạng. Bởi vậy, liên minh này chú trọng việc yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị thông minh phải bảo đảm sự an toàn của sản phẩm trước khi tung ra thị trường.
Hồi đầu tháng 9/2022, EU có một bước tiến trong cuộc chiến chống tội phạm mạng khi khai trương văn phòng toàn cầu về công nghệ số và đổi mới tại San Francisco, bang California của Mỹ, qua đó giúp tăng cường năng lực của EU trong phòng, chống tội phạm mạng. Việc thành lập văn phòng nêu trên cũng giúp liên minh này xây dựng một không gian mạng rộng mở và toàn cầu thông qua việc hợp tác với các đối tác quốc tế. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cũng thông qua Chương trình kỹ thuật số châu Âu giai đoạn 2021-2027, nhất trí đầu tư 9,2 tỷ euro cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới nhằm giúp các doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm an toàn hệ thống mạng.
Khi mọi hoạt động của các lĩnh vực kinh tế-xã hội đều phụ thuộc nhiều vào các thiết bị có kết nối internet và nhất là đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy làn sóng chuyển đổi số, an ninh mạng trở thành một thách thức không thể xem nhẹ của thời đại mới. Số vụ tấn công mạng gia tăng nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, với các hành vi phạm tội ngày càng tinh vi. Năm 2021, tội phạm mạng đã gây thiệt hại 6 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Các cuộc tấn công mạng gây thiệt hại trên nhiều khía cạnh, như phá hủy dữ liệu, trộm cắp tiền và tài sản trí tuệ, lừa đảo, làm tê liệt hệ thống, hủy hoại uy tín cá nhân và tổ chức... Mới đây, công ty vận tải công nghệ Uber của Mỹ thông báo phải xử lý một sự cố an ninh mạng, sau khi ứng dụng gọi xe công nghệ này bị tấn công khiến một số kênh liên lạc nội bộ và hệ thống kỹ thuật tạm dừng hoạt động.
Ủy viên châu Âu về ngân sách Johannes Hahn (G.Han) nhận định, trong một môi trường kết nối như hiện nay, chỉ một sự cố an ninh mạng đơn lẻ cũng có thể ảnh hưởng tới toàn bộ EU. Do đó, việc xây dựng một lá chắn mạnh mẽ để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng là nhiệm vụ cấp bách của khối. Ðể đối phó với thách thức chung toàn cầu này, mọi quốc gia đều phải xây dựng chiến lược cải thiện an ninh mạng, tăng cường chia sẻ thông tin về các vụ tấn công mạng cũng như thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực ứng phó rủi ro.
Văn Cường (Theo nhandan.vn)