Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, Sở Tư pháp đã có nhiều nỗ lực để thực hiện nôi dung này. Qua đó từng bước xây dựng ngành Tư pháp tỉnh ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.
100% cán bộ, công chức Sở Tư pháp được trang bị máy tính, sử dụng thành thạo tin học và thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc. Ảnh: Trường Khanh
Để việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp đạt hiệu quả cao, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, công văn chỉ đạo, phê duyệt quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.
Ban hành văn bản hướng dẫn triển khai quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, khai tử, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ mai táng phí.
Đồng thời, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến 100% cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công trực tuyến, cách tra cứu tiến độ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử qua Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đơn vị quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số. Chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai các nội dung chuyển đổi số, nhất là trong việc công bố, thực hiện quy trình, thủ tục hành chính trên dịch vụ công và triển khai các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin.
Thường xuyên cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số. Tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, công chức cấp xã làm công tác tư pháp - hộ tịch nhằm kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, trong đó, có nhiệm vụ cấp số định danh cá nhân cho trẻ em trên phần mềm khai sinh điện tử; đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, đảm bảo đúng pháp luật và thời gian quy định.
Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật của Sở Tư pháp cơ bản đảm bảo các điều kiện thực hiện kết nối và triển khai các ứng dụng dùng chung. 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, sử dụng thành thạo tin học và thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc.
Sở đã triển khai và sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Các văn bản, tài liệu cơ bản được thực hiện trên môi trường mạng, đảm bảo thông tin được trao đổi kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi.
Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo đúng quy trình. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ trên phần mềm quản lý hộ tịch dùng chung tại 100% cơ quan có thẩm quyền đăng ký, quản lý hộ tịch.
Cán bộ Sở Tư pháp triển khai số hóa hộ tịch và liên thông thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ảnh: Trường Khanh
Thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngành Tư pháp tỉnh đã hoàn thành số hóa hơn 500.000 dữ liệu hộ tịch (giai đoạn 1) và gần 700.000 dữ liệu hộ tịch (giai đoạn 2).
Đối với việc liên thông các thủ tục hành chính, Sở Tư pháp đã chủ động triển khai việc liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính theo Nghị định 63 của Chính phủ đến các huyện, thành phố, đảm bảo thuận lợi.
Vì vậy, người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần là có thể giải quyết được các thủ tục hành chính liên quan, không cần thực hiện riêng từng thủ tục như trước đây. Các loại giấy tờ cũng được đơn giản hóa đến mức tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, ngành Tư pháp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai, nộp hồ sơ trực tuyến. Quan tâm đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số. Tích cực số hóa dữ liệu hộ tịch, hoàn thành sớm các nhóm nhiệm vụ của Đề án 06 trong lĩnh vực tư pháp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.
Thanh Huyền