Những năm qua, các đơn vị y tế trong tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xử lý tốt chất thải y tế, nhất là chất thải rắn, chất thải nguy hại khó phân hủy, góp phần giảm thiểu nguồn lây truyền bệnh tật trong cộng đồng.
Theo báo cáo của ngành Y tế, lượng chất thải rắn phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, thành phần ngày càng đa dạng, nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng cao, nhất là tại các cơ sở y tế tuyến xã và tuyến huyện, cơ sở vật chất xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Bình quân, bệnh nhân nội trú thải ra từ 0,4 - 0,7 kg rác thải/ngày/người (chưa kể rác thải sinh hoạt của người đến chăm sóc bệnh nhân). Tổng lượng chất thải rắn ở các bệnh viện tuyến tỉnh ước khoảng 15 - 20 tấn chất thải/ngày. Tổng lượng rác thải rắn tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện khoảng 7 - 10 tấn/ngày. Trong đó, rác thải nguy hại khó phân hủy như vật sắc nhọn, nhựa PE, ống nhựa, túi ni lon, lọ thủy tinh… chiếm hơn 20% tổng lượng chất thải rắn phát sinh hằng ngày.
Trong chất thải rắn y tế luôn tồn dư một số hóa chất độc hại, gây nguy hiểm cho người và sinh vật sống, nếu không xử lý triệt để sẽ gia tăng ô nhiễm không khí và nguồn nước tại bệnh viện và các khu vực xung quanh với chỉ số ô nhiễm cao gấp 2 - 3 lần mức trung bình cho phép. Tiếp xúc các chất thải y tế nguy hại nếu không có bảo hộ chuyên ngành có thể bị lây truyền các loại bệnh nguy hiểm khi chưa được xử lý triệt để.
Để xử lý tốt chất thải rắn y tế, nhất là chất thải nguy hại tại các cơ sở khám, chữa bệnh, những năm qua, Sở Y tế đã đề ra các giải pháp tích cực, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý chất thải y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn tài trợ đầu tư lắp đặt lò đốt rác thải công nghệ hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và một số Trung tâm Y tế huyện; đã có 7 Trung tâm Y tế tuyến huyện được đầu tư xây dựng lò xử lý chất thải rắn của Nhật Bản và hệ thống xử lý nước thải tự động đảm bảo hợp vệ sinh.

Nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư và Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường ETC (Nam Định) vận chuyển rác thải rắn và chất thải nguy hại tại Trung tâm Y tế huyện Sông Lô đi xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, việc xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải y tế nguy hại hiện nay tại các đơn vị y tế vẫn còn gặp khó khăn, do chi phí đốt chất thải rắn cao cộng với chi phí nhân công xử lý chất độc hại còn bất cập.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Lô cho biết: “Khó khăn nhất của đơn vị là xử lý chất thải nguy hại, bởi lò đốt đã hết khấu hao, hiện đơn vị phải ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư và Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường ETC (Nam Định) để xử lý chất thải rắn khó phân hủy, nguy hại vận chuyển đi xử lý 2 ngày/lần và HTX Dịch vụ môi trường Nhạo Sơn (Sông Lô) xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Mỗi ngày, trung tâm có khoảng 15 - 25 kg rác thải rắn nguy hại được tập kết về kho chứa tại trung tâm. Sau 2 - 3 ngày, nhân viên của công ty dịch vụ vệ sinh môi trường đến thu gom, sử dụng xe ô tô chuyên dụng đem đi xử lý (do lò đốt chất thải rắn không đủ quy chuẩn về môi trường theo quy định). Vì vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại kho chứa trong trung tâm và khu vực xung quanh rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nên rất cần đầu tư lò đốt rác thải rắn hiện đại tại chỗ.
Tìm hiểu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số Trung tâm Y tế huyện, thành phố như Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Phúc Yên… nơi đã được đầu tư lò đốt chất thải rắn trước đây nhưng công suất nhỏ, chi phí xử lý đốt lò khoảng 10 - 15 lít dầu/ca/3 giờ, với giá dầu hiện nay thì mỗi ca đốt chất thải rắn chi phí từ 200 - 250 nghìn đồng/ca, mà chỉ tiêu hủy được 5 - 8 kg chất thải rắn (lọ thủy tinh, sắt nhọn) với chi phí dầu đốt khoảng 20 nghìn đồng/kg.
Hiện nay, các lò đốt này công suất nhỏ, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao, không đảm bảo quy định về quan trắc khí lò đốt nên các trung tâm đều thuê công ty dịch vụ vệ sinh môi trường xử lý, chi phí thấp hơn và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tại các đơn vị y tế tuyến huyện, do chất thải rắn hằng ngày phát sinh ít, thường từ 2 - 5 ngày mới thu gom xử lý. Theo quy định, chất thải y tế nguy hại không được để lưu trong kho quá 3 ngày, bởi sẽ bị phân hủy độc hại nhưng do kinh phí hạn chế nên trung bình từ 3 ngày trở lên, thậm chí 5 - 7 ngày mới xử lý.
Tiến sĩ Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành Y tế đang rà soát, nghiên cứu xây dựng đề án xử lý chất thải y tế nói chung và chất thải rắn, chất thải khó phân hủy, nguy hại nói riêng, tham mưu UBND tỉnh dành nguồn kinh phí đầu tư xây dựng lò đốt công nghệ hiện đại tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện để xử lý triệt để chất thải rắn, xây dựng môi trường y tế hợp vệ sinh.
Trước mắt, đối với các đơn vị mới được xây dựng cơ sở và được đầu tư lò đốt hiện đại thực hiện xử lý tại chỗ; đối với một số lò đã xuống cấp chưa có kinh phí để bảo dưỡng, thay thế, phải thực hiện hợp đồng với công ty dịch vụ môi trường có đủ điều kiện xử lý triệt để rác thải phát sinh hằng ngày kịp thời, kiên quyết không để ùn ứ tại các cơ sở chữa bệnh, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Bài, ảnh: Hồng Nguyễn