Cụm công nghiệp (CCN) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều CCN chưa được đầu tư tương xứng với vị trí, vai trò, quy mô được phê duyệt, còn nhiều tồn tại bất cập dẫn đến hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển sản xuất không cao.

Một góc CCN Đồng Sóc (Vĩnh Tường), một trong những CCN được đầu tư hạ tầng đồng bộ nhất trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16 CCN đã được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng hàng trăm ha, thu hút gần 700 cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động, chủ yếu là người dân địa phương.
Nhiều CCN đã phát huy hiệu quả, góp phần duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo đòn bẩy quan trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương với tỷ lệ lấp đầy đất sản xuất công nghiệp đạt 100% diện tích được phê duyệt, điển hình như các CCN: Yên Đồng, Tề Lỗ, Hùng Vương-Phúc Thắng…
Một số CCN được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp với cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại như CCN Đồng Sóc (Vĩnh Tường). Trên tổng diện tích hơn 75 ha được phê duyệt, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư thương mại Vĩnh Phúc (VPCo) đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, hệ thống điện; nhà máy nước sạch; nhà máy xử lý nước thải công suất 15.000 m3/ngày đêm.
Qua đó thu hút hàng chục doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư là các doanh nghiệp FDI đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã đạt khoảng 90% tổng diện tích được quy hoạch.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên xét trên tổng thể, các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mục tiêu đặt ra, đóng góp cho phát triển công nghiệp và thu ngân sách còn tương đối thấp.
Tiến độ triển khai các dự án hạ tầng CCN hầu hết còn chậm, năng lực một số nhà đầu tư còn yếu kém. Hạ tầng một số CCN xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ. Việc giải phóng mặt bằng, giao đất cho các CCN còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được kịp thời giải quyết.
Số lượng CCN hoàn thành hạ tầng mới đạt gần 24%; tỷ lệ lấp đầy các CCN mới đạt trên 42%; số lượng CCN được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt thấp, không đạt chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (đến nay mới có 25% cụm công nghiệp đã thành lập có hệ thống xử lý nước thải)…
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ quy hoạch phát triển mới 31 CCN, đưa tổng số CCN trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm; đến năm 2050 toàn tỉnh có 51 CCN.
Với quan điểm phát triển các CCN chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt; phát triển CCN mới có chọn lọc, không ồ ạt, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, trình tự thủ tục theo quy định, nhất là các tiêu chí về môi trường; chú trọng lựa chọn doanh nghiệp thực hiện đầu tư hạ tầng CCN có năng lực, kinh nghiệm về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đồng thời có khả năng xúc tiến, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp có chất lượng vào các CCN trên địa bàn tỉnh… tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý CCN mới phù hợp với thực tế và các quy định liên quan.
Rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể những khó khăn, vướng mắc đối với từng CCN, đề xuất tỉnh có biện pháp xử lý, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị nhằm giải quyết có hiệu quả hạn chế, bất cập đối với các CCN.
Giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng của CCN đã được thành lập; yêu cầu các chủ đầu tư ưu tiên nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường; tiến hành cải tạo, nâng cấp, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp.
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện dự án, năng lực của chủ đầu tư hạ tầng các CCN đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động, đề xuất chấm dứt, thu hồi đối với dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan để lựa chọn chủ đầu tư mới theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ dự án, phát huy hiệu quả quỹ đất công nghiệp của tỉnh.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường, kinh phí duy tu, bảo dưỡng tại các CCN do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý hoặc thực hiện chuyển đổi mô hình, đơn vị quản lý theo quy định của pháp luật.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bồi thường GPMB, giao mặt bằng đúng kế hoạch cho các CCN trên địa bàn huyện, thành phố…
Các chủ đầu tư hạ tầng các CCN tập trung nhân lực, nguồn lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB, xây dựng hạ tầng CCN đồng bộ theo đúng quy hoạch và tiến độ đã duyệt đảm bảo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, PCCC…và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh