Giáo dục giới tính (GDGT) có vai trò quan trọng, góp phần vào quá trình hình thành, phát triển nhân cách, giúp trẻ có kỹ năng giao tiếp, bảo vệ bản thân, ứng xử đúng trong các mối quan hệ xã hội. Để thực hiện tốt việc GDGT, nhất là đối với trẻ vị thành niên, các bậc phụ huynh, trường học, các ngành, địa phương cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục đảm bảo phù hợp với từng lứa tuổi.
Nhằm trang bị kiến thức về GDGT cho con em, Hội Phụ huynh học sinh (PHHS) lớp 6A1 Trường THCS Liên Bảo (Vĩnh Yên) đã tổ chức nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, GDGT. Đây là một hoạt động giáo dục thể hiện sự quan tâm sâu sắc của phụ huynh đối với sự phát triển toàn diện của con em trong giai đoạn dậy thì.

Chuyên gia tâm lý Kim Thị Hồng Lụa, Chi cục Dân số tỉnh chia sẻ với học sinh lớp 6A1 - Trường THCS Liên Bảo (Vĩnh Yên) về kỹ năng chăm sóc sức khỏe và giáo dục giới tính. Ảnh: Trà Hương
Để thực hiện buổi nói chuyện chuyên đề, Hội PHHS lớp 6A1 đã tự bỏ kinh phí, mời chuyên gia tâm lý Kim Thị Hồng Lụa, Chi cục Dân số tỉnh trực tiếp chia sẻ với các con.
Chị Nguyễn Phương Mai, đại diện Hội PHHS lớp 6A1 chia sẻ: “Giai đoạn dậy thì, các con có nhiều thay đổi cả về tâm lý lẫn cơ thể. Việc cung cấp thông tin đúng đắn từ sớm giúp các con tự bảo vệ mình và giúp phụ huynh hiểu, đồng hành cùng các con hiệu quả hơn”.
Buổi nói chuyện đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ học sinh và phụ huynh. Nội dung gồm nhận biết sự thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, cách vệ sinh cơ thể, chế độ dinh dưỡng, cách phòng tránh các nguy cơ bạo lực học đường, xâm hại tình dục và các vấn đề về tác hại của nghiện mạng xã hội, game, thuốc lá điện tử...
Chuyên gia tâm lý Kim Thị Hồng Lụa chia sẻ: “Việc PHHS chủ động mời chúng tôi nói chuyện với học sinh là một tín hiệu đáng mừng. Điều này chứng tỏ phụ huynh ngày càng quan tâm đến việc giáo dục toàn diện cho con em mình về kiến thức học thuật, kỹ năng sống, GDGT và giá trị nhân văn”.
Em Đỗ Minh Quân, lớp 6A1 chia sẻ: “Con rất thích cách chuyên gia tâm lý giải thích về những thay đổi ở tuổi dậy thì. Cô đã trả lời tất cả những thắc mắc giúp chúng con biết và hiểu được rất nhiều điều về bản thân”.
Buổi nói chuyện chuyên đề không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là cầu nối quan trọng giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh. Sự chủ động, đồng lòng của hội PHHS đã tạo nên một mô hình giáo dục tích cực, góp phần vào việc xây dựng môi trường học đường an toàn và lành mạnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của GDGT, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả nội dung này thông qua chương trình học chính khóa và ngoại khóa. Nhờ đó, học sinh không chỉ nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản mà còn được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân.
Để giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn về giới tính, Trường THCS Định Trung (Vĩnh Yên) đã triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục giới tính, song song với hoạt động dạy học kiến thức.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tám, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Định Trung cho biết: “GDGT cho học sinh luôn được nhà trường quan tâm. Cùng với thành lập các câu lạc bộ, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, hằng năm, nhà trường phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố, Sở LĐ-TB&XH… tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện về các nội dung như giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống xâm hại tình dục, an toàn an ninh mạng vị thành niên, bình đẳng giới…
Ngoài các hoạt động ngoại khóa, nhà trường thực hiện lồng ghép giáo dục giới tính trong các môn học như Giáo dục công dân, Sinh học, hoạt động trải nghiệm -hướng nghiệp, hoạt động ngoài giờ lên lớp, chào cờ…
Qua đó giúp học sinh nhìn nhận đúng đắn về giới tính, cách bảo vệ bản thân, đồng thời phát triển nhân cách một cách toàn diện. Bên cạnh nỗ lực từ phía nhà trường, xã hội, phụ huynh cũng cần hiểu rõ và thực hiện tốt vai trò của mình. Thay vì lảng tránh, cấm cản, cha mẹ hãy là những nhà giáo dục, là người bạn gần gũi để sẻ chia và hỗ trợ con trẻ”.
GDGT không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn cần sự chung tay từ gia đình và toàn xã hội. Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, học sinh sẽ được trang bị kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân, hình thành tư duy đúng đắn về các mối quan hệ và giá trị cá nhân.
Để GDGT đạt hiệu quả bền vững, các cơ quan chức năng, nhà trường và phụ huynh cần tiếp tục đổi mới phương pháp, tạo môi trường giáo dục cởi mở và phù hợp với từng lứa tuổi. Khi trẻ được tiếp cận thông tin đầy đủ, khoa học và gần gũi, các em sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tâm lý.
Bích Huệ