Dù không thể về quê đoàn viên, đón Tết cùng gia đình, nhưng những người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài vẫn có những cách riêng để gìn giữ phong tục truyền thống ngày Tết cổ truyền của dân tộc nơi xứ người. Đây cũng là dịp để những người con xa xứ giới thiệu về truyền thống văn hóa của quê hương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế; tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Đồng hương Việt Nam tại thành phố Busan (Hàn Quốc) cùng nhau đón Tết. Ảnh: Trà Hương
Tết Nguyên đán là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy, cùng nhau chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và những kỳ vọng trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vì lẽ đó, đối với những người con xa xứ, mỗi khi Tết đến, xuân về, nỗi nhớ quê hương, gia đình càng trở nên da diết. Không thể trở về Việt Nam đón Tết, nhưng mỗi người Việt đang công tác, học tập, lao động tại nước ngoài lại có những cách khác nhau để gìn giữ phong tục Tết cổ truyền.
Chia sẻ về việc đón Tết của mình tại Hàn Quốc, chị Nguyễn Ngọc Anh, quê ở thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) cho biết: “Năm nào cũng vậy, hội học sinh, sinh viên Việt Nam ở trường đại học tôi theo học đều cùng nhau tổ chức đón Tết, cùng chế biến những món ăn đặc trưng của Tết Việt. Hiện nay, thực phẩm, gia vị các món ăn Việt ở các siêu thị Hàn Quốc khá đầy đủ nên rất dễ mua, một số nguyên liệu đặc biệt như lá dong nếu cần cũng có thể đặt mua.
Dù ở ký túc xá của trường nhưng chúng tôi cũng trang trí phòng thật đẹp, sắp mâm ngũ quả, dán giấy đỏ; tìm cành cây khô rồi cắt hoa giấy dán lên để thay cho cành đào. Ở Hàn Quốc cũng ăn Tết cổ truyền như Việt Nam nhưng sớm hơn 2 giờ nên chúng tôi cùng nhau đón Giao thừa theo cả giờ Hàn và giờ Việt.
Tết Hàn được nghỉ 3 ngày, trong những ngày này, chúng tôi thường tới chúc Tết các anh chị em ở cùng trường và các trường lân cận. Những giờ phút cùng nhau trò chuyện, tâm sự, chia sẻ cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ gia đình, quê hương”.
Kết hôn và định cư ở Hàn Quốc đã gần 10 năm, nhưng chị Hoàng Diệu Thu (quê ở Bắc Ninh), đang sinh sống ở thành phố Busan vẫn luôn cố gắng giữ gìn những phong tục truyền thống của Tết Việt.
Chị Thu chia sẻ: “Vào dịp Tết cổ truyền, gia đình tôi và một số gia đình đồng hương Việt Nam thường cùng nhau làm bữa cơm tất niên với các món ăn truyền thống của quê hương như bánh chưng, nem, giò chả, dưa hành…
Bên cạnh đó, những ngày giáp Tết, cộng đồng người Việt tại các tỉnh của Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc thường tổ chức chương trình mừng năm mới cho bà con người Việt với những hoạt động truyền thống rất phong phú như: Trải nghiệm làm bánh chưng, các trò chơi dân gian truyền thống, múa lân, tổ chức các gian hàng ẩm thực Việt, các tiết mục văn nghệ… thu hút đông đảo kiều bào Việt Nam và bà con bản xứ tham gia.
Nhờ đó, chúng tôi có thể cảm nhận được không khí Tết Việt dù đang ở Hàn Quốc. Đây cũng là dịp để đồng hương Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt thêm tình đoàn kết; góp phần lan tỏa nét đẹp Tết Việt tới bạn bè quốc tế”.
Người Việt Nam ở thành phố Osaka, vùng Kansai (Nhật Bản) chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Trà Hương
Dù xa quê hương nhưng mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, gia đình anh Vũ Văn Nam (quê ở xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường), đang sinh sống tại Cộng hòa Séc vẫn luôn duy trì phong tục và truyền thống văn hóa của người Việt để con cháu hiểu và noi theo.
Anh Nam chia sẻ: “Chúng tôi chuẩn bị đón Tết trên đất Séc cũng chu đáo, tươm tất không kém gì Tết ở Việt Nam. Công việc có bận rộn đến đâu gia đình tôi vẫn sắp xếp thời gian chuẩn bị một cái Tết đủ đầy, ấm áp để các con, cháu phần nào cảm nhận được không khí Tết ở quê nhà, được trải nghiệm phong tục cổ truyền của dân tộc, nhớ về cội nguồn.
Thường những ngày cuối năm tại Cộng hòa Séc sẽ có những buổi liên hoan gặp gỡ đồng hương của các tỉnh hay những buổi ca nhạc gặp nhau cuối năm để người Việt được gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi, biết được tình hình của nhau sau một năm làm việc, từ đó thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó.
Cũng như ở Việt Nam, những ngày giáp Tết, nam giới sẽ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, còn phụ nữ thì đi chợ mua sắm đồ dùng thiết yếu và nấu mâm cơm cúng tất niên. Do điều kiện không cho phép nên chúng tôi không gói bánh chưng mà mua ở chợ hoặc siêu thị. Ở khu vực tôi sinh sống có rất nhiều người Việt Nam, có chợ của người Việt nên thực phẩm phục vụ ngày Tết rất phong phú, không khác nhiều so với ở quê nhà”.
Xa quê, nhưng người Việt Nam ở nước ngoài đều có những cách riêng để gìn giữ phong tục Tết cổ truyền nơi xứ người. Họ chính là những người đưa hồn Tết Việt lan tỏa khắp thế giới, góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Lê Mơ