Trong cái rét ngọt những ngày Đông, chúng tôi đến tham quan làng nghề rắn Vĩnh Sơn, nay là thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) và được nghe người dân kể chuyện nghề nuôi rắn. Trong lúc kinh tế khó khăn, nhờ nuôi rắn mà nhiều gia đình đã có cuộc sống sung túc hơn.
Phát tài từ loài rắn độc
Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đã có lịch sử hàng trăm năm, gắn liền với truyền thống săn bắt rắn ngoài tự nhiên của người dân địa phương. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, Vĩnh Sơn có tên gọi cổ là Sơn Tang, nhân dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây, vùng đất này còn hoang sơ, rậm rạp, là nơi loài rắn thường hay trú ngụ. Vào dịp nông nhàn, trai tráng trong làng thường đi tìm bắt rắn hoang, bán cho các nhà giàu ngâm rượu, làm thuốc. Từ việc săn bắt rắn, người dân Vĩnh Sơn đã biết nhốt, nuôi rắn rồi cho sinh sản để làm thịt và chế biến rượu rắn. Kinh nghiệm đó được truyền lại từ đời này sang đời khác rồi trở thành một nghề đặc trưng ở nơi đây.
Đồng chí Hạ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, nghề chăn nuôi, chế biến rắn địa phương ngày càng phát triển. Hiện toàn xã có hơn 650 hộ chăn nuôi rắn, với tổng đàn lên tới hơn 231.000 con. Trung bình mỗi năm, xã cung ứng ra thị trường hơn 80 tấn rắn thương phẩm; hàng chục nghìn quả trứng rắn, với tổng doanh thu lên đến hơn 100 tỷ đồng. Nhờ nuôi rắn, nhiều gia đình đã có thu nhập khá, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Gia đình anh Hà Trung Dũng, thôn 1 là một trong những hộ nuôi nhiều rắn nhất ở Vĩnh Sơn, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Dương Hà
Gia đình anh Hà Trung Dũng, thôn 1 là một trong những hộ nuôi nhiều rắn nhất ở Vĩnh Sơn. Nhờ nuôi rắn, gia đình anh đã có của ăn, của để và chăm lo, nuôi dạy con cái học hành. Anh Dũng cho biết: Lúc đầu, gia đình chỉ nuôi vài chục con, sau đó tăng dần lên. Hiện, trại rắn của gia đình có khoảng 2.000 ô chuồng, luôn duy trì trên 2 nghìn con rắn hổ mang. Năm 2024, thị trường đầu ra ổn định, gia đình anh xuất bán được 1,5 tấn rắn thương phẩm và hơn 10.000 quả trứng rắn, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 700 triệu đồng.
Cũng phát tài từ loài rắn, ông Nguyễn Tiến Sỹ, thôn 4 chia sẻ: Nuôi rắn hổ mang ít tốn thức ăn và nhân công chăm sóc. Bởi, từ 3 - 4 ngày rắn mới ăn 1 lần. Một năm rắn chỉ ăn trong 6 tháng, còn lại là ngủ đông. Thức ăn của rắn thường là những loài vật có sẵn ngoài tự nhiên như chuột, ếch, nhái, gà con, ngan con…
Trong khi đó, các sản phẩm thu được từ rắn lại rất đa dạng, gồm: Rắn thương phẩm, trứng rắn, rắn giống, thậm chí là cả xác rắn. Thời kỳ cao điểm, 1kg rắn thương phẩm có thể lên đến 700 - 800 nghìn đồng; trứng rắn từ 60 - 80 nghìn đồng/quả; xác rắn cũng được thu mua với giá 70 nghìn đồng/kg. Như vậy, nếu 1.000 con rắn sau khi nuôi từ một năm rưỡi đến hai năm, đạt trọng lượng 2 - 3 kg/con là có thể cho thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng, cao hơn nhiều so với nuôi các loài vật khác.
Năm mới, kỳ vọng mới
Giá trị kinh tế cao là vậy, nhưng nghề nuôi rắn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Bởi hổ mang là loài rắn độc, nọc độc của nó có thể giết chết 1 người trưởng thành trong 30 phút. Theo các hộ chăn nuôi rắn ở đây, nhiều người đã bị rắn cắn trong quá trình cho ăn, dọn chuồng. Nếu may mắn thì họ có thể chỉ bị mất 1 phần của ngón tay hoặc cả bàn tay. Còn nếu không họ có thể trả giá bằng cả tính mạng của mình.
Bên cạnh đó, rắn thương phẩm và trứng rắn của địa phương vẫn chủ yếu được xuất bán theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Việc mở rộng sản xuất gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu mặt bằng… cũng là những rào cản lớn trong việc phát triển làng nghề rắn ở địa phương.
Nhờ nuôi rắn, nhiều gia đình ở xã Vĩnh Sơn có thu nhập khá, vươn lên làm giàu. Ảnh: Dương Hà
Để làng nghề chăn nuôi và chế biến rắn Vĩnh Sơn ngày càng phát triển, UBND tỉnh, chính quyền địa phương đã có chủ trương phát triển du lịch đối với làng nghề. Hội Làng nghề rắn Vĩnh Sơn cũng đã có kế hoạch kết nạp hội viên, mở rộng quy mô chăn nuôi, chế biến; ban hành quy trình chăn nuôi, chế biến, bảo quản, đóng gói để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chi cục Kiểm lâm tỉnh tích cực hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn về thủ tục cấp giấy phép nuôi, vận chuyển, tiêu thụ nhằm tạo đầu ra thuận lợi hơn cho rắn và các sản phẩm từ rắn.
Năm Ất Tỵ đã về, người dân Vĩnh Sơn tin rằng đây là năm có ý nghĩa, sẽ mang đến những may mắn, thịnh vượng. Hy vọng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực của người dân, nghề chăn nuôi, chế biến rắn ở nơi đây ngày càng phát triển, có thị trường đầu ra ổn định. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
BOX: Sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường đầu ra của rắn thương phẩm và trứng rắn có nhiều khởi sắc. Năm 2024, giá trị chăn nuôi rắn của Vĩnh Sơn sau khi trừ chi phí đạt gần 98 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm 2023.
Thanh Huyền