Ngày 1/12, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Tổng Bí thư Tô Lâm khi nói về vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khẳng định: “Càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”. Vậy thì lý do gì để không tiến hành, dù có phải chấp nhận những mất mát, đau thương, sự hy sinh đi nữa.
Sự mất mát, đau thương, hy sinh ấy, nếu có xảy ra, cũng chỉ là với những cá nhân đơn lẻ, những người không thực sự cần thiết cho công cuộc đổi mới, cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Sự mất mát, đau thương, hy sinh ấy, nếu có xảy ra, biết đâu sẽ lại là cơ hội tốt cho những bước phát triển mới, đối với từng cá nhân, với những tập thể, những người, những cơ quan, đơn vị, địa phương trong diện phải sắp xếp, giải thể và sáp nhập.
Ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Vĩnh Tường trên cơ sở sáp nhập xã Tam Phúc vào thị trấn Vĩnh Tường, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ảnh: Chu Kiều
Lâu nay, chúng ta nghe quen thực trạng đau lòng về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Sự ví von ấy là để chỉ những cán bộ, công chức, viên chức làm việc không đạt yêu cầu, có đến cơ quan làm việc cũng được, không có cũng không sao, “có thì thừa, không có thì thiếu”. Cái thừa ấy hẳn là rõ ràng rồi, vì họ vào làm việc cho có, họ mặc “chiếc áo” quá rộng, không đáp ứng được yêu cầu công việc, đến nhiệm sở nhiều khi chỉ làm những việc vặt vãnh, không tên, thậm chí chỉ đi “soi” đồng nghiệp, là nguồn cơn gây những bất hòa, mâu thuẫn trong nội bộ. Cái thiếu ấy, giản đơn chỉ bởi là thiếu người cụ thể trong tổ chức, là thiếu định biên trong một bộ máy cồng kềnh, hoành tráng chứ không phải là thiếu người làm việc. Không có họ, có khi mọi việc còn tốt hơn...
Thế nên, trong sự mất mát, đau thương, hy sinh nếu có ấy lại chính là cơ hội để tái cơ cấu lại bộ máy, tái cơ cấu lại vị trí, việc làm, để đội ngũ thực sự tinh, gọn, mạnh hơn. Ngày 5/11/2024, trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…”.
Tổng Bí thư chỉ rõ: “Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.
Và đó chính là lý do khiến việc tinh gọn bộ máy trở thành vấn đề cấp bách, bắt buộc phải làm, “càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”. Có lợi cho dân, cho nước thì tại sao lại không làm một cách quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả? Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, việc tiến hành là “không thể chậm trễ hơn được nữa”. Và đúng với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, công cuộc tinh gọn bộ máy đã có những bước khởi động khẩn trương, quyết liệt. Những thông tin liên quan đến tinh gọn bộ máy thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, đặc biệt được nhân dân tích cực hưởng ứng, kỳ vọng, mong chờ.
Tại sao không mong chờ cho được, khi tiền thuế người dân đóng góp dành để nuôi bộ máy quá lớn, như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định là “không tinh gọn bộ máy không phát triển được” và dẫn chứng rằng, ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển...
Không mong chờ sao được, khi chúng ta có những bộ, ngành còn giẫm chân lên nhau, hành dân, hành doanh nghiệp; có những cán bộ, công chức, viên chức không chỉ không làm hết công suất, năng lực, thời gian yêu cầu mà còn lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp để vun vén tư túi, trục lợi bất chính. Không mong chờ sao được khi đã từ lâu, chúng ta, đặc biệt là người dân, thấy rất rõ những sự chồng chéo, lãng phí trong quá trình thực thi công vụ...
Còn rất nhiều biểu hiện, việc làm, thực trạng có thể chỉ ra một cách không khó khăn gì khi nói tới những bất cập trong bộ máy của hệ thống chính trị. Và thực tế, chúng ta đã nhìn nhận ra vấn đề này từ lâu, đã có nhiều chủ trương, chính sách để tinh gọn bộ máy, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, nguyên nhân chính là bởi chúng ta chưa làm quyết liệt, bởi nó liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, quyền lợi của những cá nhân, tổ chức cụ thể. Nhưng đã đến lúc không thể chậm trễ hơn được nữa. Đã đến lúc buộc phải tiến hành, bởi Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng: “muốn có một cơ thể khoẻ mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u””.
Vĩnh Phúc chủ động sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh, tạo tiền đề xây dựng quê hương giàu đẹp, hiện đại, văn minh. Ảnh: Hà Phương
“Uống thuốc đắng”, “phẫu thuật khối u” là việc bắt buộc phải tiến hành, bởi đó chính là việc trị bệnh cứu người, và nếu không tiến hành những biện pháp can thiệp như vậy, bệnh tật sẽ hoành hành, suy yếu, thậm chí ngắt đứt sự sống của con người. Mối nguy đã được nhận diện, giờ là lúc hành động, hành động và hành động, không còn thời gian để bàn ngang nữa.
Tổng Bí thư chỉ đạo, từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I-2025. Cụ thể hơn, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 yêu cầu các đơn vị hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12/2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 2/2025.
Mốc thời gian đã được xác định, với lộ trình cụ thể, rõ ràng. Phương án đã, đang và sẽ được bàn thảo kỹ lưỡng, đề xuất cụ thể để thực sự có được một bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Đó thực sự là cuộc cách mạng vì dân, có lợi cho dân, cho nước. Và khi người dân kỳ vọng, trông đợi mãnh liệt, dẫu có khó đến mấy, cuộc cách mạng cũng sẽ thành công, tạo nền tảng, bệ phóng cho đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TS Nguyễn Tri Thức