Những ngày cuối năm, có dịp về thăm huyện miền núi Sông Lô, đi trên con đường thảm nhựa thênh thang, trải dài tít tắp về tới trung tâm huyện lỵ, dọc hai bên đường, những công trình hạ tầng giao thông đang gấp rút thi công chào đón năm mới Ất Tỵ 2025, mới thấy sự đổi thay rõ nét của huyện nghèo nhất tỉnh - vùng đất khó đang chuyển mình mạnh mẽ.
Cách đây hơn 15 năm về trước (năm 2009), huyện Sông Lô khi mới thành lập được ví như ốc đảo, bởi địa hình núi bọc, sông bao, giao thương kinh tế phụ thuộc vào những chuyến phà lênh đênh theo sóng nước. Khi đó cơ sở hạ tầng rất thiếu thốn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trên địa bàn chưa có dự án công nghiệp đi vào hoạt động.
Nhận diện những khó khăn, thách thức, đánh giá nguồn lực có thể huy động, nhằm tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển, đưa công nghiệp về huyện, Đảng bộ, chính quyền huyện Sông Lô xác định, đầu tư hoàn thiện hạ tầng là nhiệm vụ tối quan trọng, xuyên suốt, cần phải dồn sức, chắt chiu các nguồn lực để đầu tư xây dựng những công trình có ý nghĩa, vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế.
Hạ tầng huyện Sông Lô được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: Chu Kiều
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Lô Lê Đăng Tâm chia sẻ: Tâm huyết, quyết tâm xây dựng cây cầu bắc qua sông Lô, kết nối Vĩnh Phúc - Phú Thọ, mở ra không gian phát triển mới, các thế hệ cán bộ và nhân dân trong huyện đã nhiều lần mạnh dạn đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, chủ động xây dựng báo cáo tác động kinh tế về sự cần thiết của việc xây dựng cầu. Với tinh thần vì dân, tỉnh đã đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Phú, đem lại những cơ hội mới cho huyện Sông Lô bứt phá.
Niềm vui ấy như được nhân lên nhiều lần khi cầu Vĩnh Phú được khởi công xây dựng vào cuối năm 2021 với tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng và khánh thành vào cuối năm 2023, kết nối 2 bờ sông Lô, mở ra con đường huyết mạch, khơi thông dòng chảy giao thương kinh tế giữa 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Ngoài ra, tuyến đường trục huyện Sông Lô được đầu tư xây dựng đã kết nối khu vực trung tâm huyện với mạng lưới giao thông tỉnh, nút giao Văn Quán (Cao tốc Hà Nội - Lào Cai), rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ trung tâm huyện đến các địa phương lân cận, nhờ đó, huyện đã thu hút được 2 dự án công nghiệp lớn là khu công nghiệp (KCN) Sông Lô I và KCN Sông Lô II, đây là những tín hiệu tích cực, khẳng định dấu ấn từ việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông những năm qua.
Những ngày giáp Tết Ất Tỵ, trên công trường thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 307, đoạn từ Km26+400 đến Km31+200, địa phận huyện Sông Lô, khí thế thi đua lao động diễn ra sôi nổi, các tổ đội thi công của Công ty TNHH Minh Quang đang tập trung tối đa nhân lực, máy móc, tăng tốc đẩy nhanh tiến độ. Hiện các hạng mục rãnh thoát nước cơ bản đã hoàn thành. Theo đại diện nhà thầu, hiện một số đoạn vẫn còn vướng mắc về mặt bằng, nếu được tháo gỡ, giải quyết sớm, ngay trong quý I/2025, đơn vị có thể tiến hành giải đá base, tiến tới thảm nhựa đưa công trình vào sử dụng cuối năm 2025.
Với tổng mức đầu tư hơn 134 tỷ đồng, dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 307, đoạn từ Km26+400 đến Km31+200, địa phận huyện Sông Lô sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt, tăng cường kết nối huyện Sông Lô với các địa phương khác, thúc đẩy thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ phát triển.
Từ năm 2021 đến nay, huyện đã đầu tư được trên 68km đường giao thông các loại và đầu tư hơn 79km hệ thống điện chiếu sáng, thu hút dự án nhà máy cấp nước Tam Sơn với công suất 16.000 m3/ngày, đêm phục vụ cấp nước cho các xã, thị trấn trên địa bàn, đồng thời tập trung thi công và đẩy nhanh tiến độ các công trình chưa hoàn thành. Hạ tầng lưới điện và chất lượng điện ngày càng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Trạm biến áp 110 KV Sông Lô công suất 1x40M hoàn thành đã góp phần đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất công nghiệp trong những năm tới.
Đến nay, đã thành lập, giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng được 2 KCN (KCN Sông Lô I đang xây dựng hạ tầng) và 1 cụm công nghiệp (trong cụm công nghiệp đã có Công ty May mặc xuất khẩu Vit Garment thuê làm nhà xưởng 2,4 ha xây dựng chi nhánh nhà máy may đã đi vào hoạt động từ năm 2017 và đã được điều chỉnh thêm 1,7 ha, hiện đã có 4 dây chuyền đang hoạt động với gần 300 lao động, tiến tới sẽ thu hút khoảng 1.000 lao động).
Thi công dự án Khu công nghiệp Sông Lô II. Ảnh: Chu Kiều
Nếu tổng giá trị sản xuất thực hiện năm 2009 đạt 952,82 tỷ đồng thì đến hết năm 2024, tổng giá trị sản xuất ước đạt 9.728,9 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,32% (KH>7%), thu nhập bình quân đầu người đạt 63,5 triệu đồng/năm (KH 63 triệu đồng/người/năm), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (công nghiệp - xây dựng chiếm 51,33%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,62%, dịch vụ chiếm 28,05%), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,6% (KH 0,62%).
Có thể thấy rằng, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, giúp huyện Sông Lô bứt phá mọi mặt về kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của huyện. Nhờ đó, các dự án công nghiệp đang trong quá trình xây dựng hạ tầng sẽ có nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN, không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sông Lô. Điều này giúp tạo ra nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao mức sống cho người dân huyện Sông Lô.
Văn Cường