Đối với người chăn nuôi gà đẻ, năm nay là năm kinh tế buồn bởi giá trứng trên thị trường có nhiều thời điểm rẻ không tưởng. Ngay cả dịp cận Tết Nguyên đán, giá trứng có tăng nhưng không đáng kể dù sức mua tăng cao. Mặc dù đang phải cầm hòa, thậm chí lỗ, nhưng thời gian qua, các chủ trang trại vẫn cố gắng duy trì đàn vật nuôi với hy vọng giá trứng sẽ đảo chiều dịp Tết.
Theo ông Trần Ngọc Tân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà Tân Hiệp, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương: “Năm 2024, người dân chăn nuôi gà đẻ thua lỗ nhiều bởi giá trứng quá rẻ. Vào khoảng giữa năm, giá trứng gà xuống thấp nhất từ 11.000-12.000 đồng/chục, nay cận Tết Nguyên đán tăng lên 16.000 đồng/chục. Mức tăng không đáng kể khiến người chăn nuôi lo lắng, bởi với mức giá này tuy không lỗ nhưng lợi nhuận rất thấp, chưa thể thu hồi vốn lỗ kéo dài từ đầu năm đến nay”.
Sản phẩm trứng gà của HTX chăn nuôi gà Tân Hiệp được chứng nhận OCOP 3 sao nhưng giá thành rẻ do chịu sự chi phối của thị trường.
HTX chăn nuôi gà Tân Hiệp hiện có quy mô gà đẻ 1,3 - 1,8 vạn con. Trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp thu hơn 10.000 quả trứng, doanh thu đạt hơn 16 triệu đồng. Mặc dù sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, nhưng giá trứng gà của HTX không thể bán cao hơn do chịu ảnh hưởng từ sự điều phối giá của thị trường. Với chi phí thức ăn chăn nuôi, vắc xin phòng bệnh, công chăn nuôi... như hiện nay, giá trứng phải đạt từ 14.000-15.000 đồng/chục mới hòa vốn. Còn đối với mức giá 16.000 đồng/chục như hiện nay thì lợi nhuận thu về đối với người chăn nuôi là không đáng kể.
Sản phẩm trứng gia cầm của HTX chăn nuôi gà Tân Hiệp hiện được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Cuối năm, sản lượng trứng gà tiêu thụ tăng cao nhưng giá thành chưa đáp ứng kỳ vọng để giúp doanh nghiệp phục hồi tài chính trong suốt 1 năm qua.
Ông Trần Ngọc Tân, Giám đốc HTX chăn nuôi gà Tân Hiệp cho biết thêm: "Nghề chăn nuôi vốn vất vả nhưng doanh thu lại bấp bênh, nhiều thời điểm thua lỗ kéo dài. Chưa kể, chúng tôi phải chật vật xoay sở đầu ra, bởi sản phẩm bị tồn đọng lập tức bị thương lái ép giá. Theo tính toán, năm nay, HTX bị lỗ từ 700-800 triệu đồng nên mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, có giải pháp ổn định giá thị trường để giảm thiểu thiệt hại tài chính cho người dân”.
Năm 2024 là năm “bĩ cực” đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp chăn nuôi gà đẻ. Ông Đinh Văn Thành, thôn 8, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương cho biết: “Gia đình tôi nuôi 5.000 gà đẻ và gà hậu bị. Trung bình mỗi ngày, gia đình thu được 1.500 quả trứng. So với giữa năm, thời điểm này mỗi chục trứng có tăng thêm từ 3.000-5.000 đồng, giúp người chăn nuôi có điều kiện thu lãi một chút, nhưng chưa đủ để bù đắp thiệt hại tài chính trong năm. Bởi trước đó, giá trứng rẻ, thu không đủ bù chi, ước tính mỗi ngày gia đình tôi "âm" vốn khoảng 500.000 đồng. Chỉ còn gần 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán, tôi mong muốn giá trứng tiếp tục tăng cao để người chăn nuôi có điều kiện "gỡ" vốn đầu tư”.
Theo các chủ trang trại gà, nguyên nhân khiến giá trứng gà giảm mạnh trong năm 2024 là do tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 ở các tỉnh, thành miền Nam diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng gặp nhiều vướng mắc khiến giá trứng giảm mạnh.
Chia sẻ thông tin với phóng viên, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Dương khẳng định, nhiều thời điểm trong năm 2024, giá trứng gà ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân là do mất cân đối cung cầu cùng tình trạng chăn nuôi tự phát của người dân.
Có thời điểm giá trứng gà được bán rẻ như cho, tràn ngập chợ online.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, năm 2024, sản lượng trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 800 triệu quả, tăng 10,16% so với cùng kỳ. Tình trạng cung vượt cầu, thiếu thị trường tiêu thụ hàng hóa dẫn đến giá trứng giảm mạnh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Càng gần đến Tết Nguyên đán, người chăn nuôi càng phấp phỏng, nóng lòng mong giá trứng tăng cao để giảm thiểu thiệt hại tài chính trong năm qua. Đồng thời kỳ vọng sang năm 2025, việc chăn nuôi gà đẻ sẽ khởi sắc khi giá trứng trên thị trường giữ được sự ổn định.
Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp trong việc ban hành chính sách hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Đồng thời, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi cũng phải nắm bắt nhu cầu thị trường để điều chỉnh sản lượng sản xuất phù hợp và có các giải pháp giảm thiểu chi phí sản xuất.
Việc ổn định giá trứng không chỉ giúp bảo vệ lợi ích người tiêu dùng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi; giúp các doanh nghiệp, người chăn nuôi có kế hoạch sản xuất tốt hơn, giảm thiểu rủi ro và tăng cường hiệu quả kinh doanh.
Bài, ảnh: Hà Trần