Chủ động chọn lọc các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có mức vốn đầu tư và giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít đất; ưu tiên thu hút những ngành nghề mới phù hợp với xu thế phát triển mới mà Chính phủ đang kêu gọi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, vật liệu bán dẫn... là những định hướng nhằm đổi mới thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Còn một số hạn chế, bất cập
Kể từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, tỉnh luôn quan tâm phát triển các KCN, CCN. Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Vĩnh Phúc có 28 KCN và 47 CCN, đến năm 2050 có 29 KCN với tổng diện tích khoảng 10 nghìn ha.
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh đã thu hút, hỗ trợ Công ty TNHH Polaris Việt Nam (Tập đoàn Polaris - top 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ) đi vào hoạt động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích hơn 3.100 ha, thu hút gần 500 dự án đầu tư đến từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ; 16 CCN được thành lập với tổng diện tích hơn 490 ha, thu hút hơn 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Các KCN, CCN đóng vai trò rất quan trọng vào tăng trưởng GRDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, đóng góp thu ngân sách và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển KCN, CCN vẫn còn những tồn tại, bất cập như tỷ lệ KCN, CCN được thành lập so với quy hoạch chưa cao; tỷ lệ lấp đầy KCN, CCN còn thấp; diện tích đất sạch cho nhà đầu tư thứ cấp thuê còn ít.
Một số chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN còn thiếu kinh nghiệm, năng lực thực hiện đầu tư dự án hạ tầng và xúc tiến, thu hút, hỗ trợ các dự án thứ cấp yếu, tiến độ đầu tư hạ tầng còn chậm, còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.
Đặc biệt, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu. Có thời điểm mới chỉ chú trọng thu hút để sớm lấp đầy KCN hoặc đạt chỉ tiêu về số vốn đăng ký mà chưa chú trọng lựa chọn, thu hút các nhà đầu tư, dự án có chất lượng.
Hầu hết các dự án đã thu hút có quy mô nhỏ và vừa; vốn đầu tư trung bình của các dự án đầu tư còn thấp; đa số ngành nghề là gia công, lắp ráp thiết bị; tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng còn thấp.
Giá thuê hạ tầng đối với nhà đầu tư thứ cấp tại một số KCN cao hơn các địa phương lân cận làm giảm tính cạnh tranh, sức hút đầu tư vào tỉnh...
Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Để tiếp tục phát huy vai trò của các KCN, CCN, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và đảm bảo sự phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới.
Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) cung cấp hạ tầng - dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có quy mô vốn lớn, công nghệ cao.
Theo đó, đổi mới thu hút đầu tư vào các KCN, CCN đã thành lập theo hướng chủ động chọn lọc các dự án công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít đất; ưu tiên thu hút những ngành nghề mới phù hợp với xu thế phát triển mà Chính phủ đang kêu gọi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, vật liệu bán dẫn...
Đối với các KCN, CCN chưa thành lập, chú trọng lựa chọn doanh nghiệp thực hiện đầu tư hạ tầng có năng lực, kinh nghiệm về đầu tư xây dựng hạ tầng và có khả năng xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có chất lượng cao.
Đối với công tác quản lý, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ hoạt động KCN, CCN, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, chú trọng năng lực hỗ trợ phát triển dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường xây dựng mối quan hệ thường xuyên, gắn kết với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ vốn tại Việt Nam (WB, ADB, JICA...) và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để tranh thủ thu hút đầu tư.
Thay đổi cách xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các lĩnh vực mà tỉnh đang thu hút đầu tư, từ quý IV/2024 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện các KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc”, Techfest VinhPhuc 2024 “Tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”...
Trong và sau nhiều sự kiện, nhiều đoàn doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã đến tìm hiểu, ký kết đầu tư với tỉnh như Tập đoàn KinderWorld, FPT, Vingroup...
Tiếp tục cụ thể hóa các định hướng trong thu hút đầu tư của tỉnh, Ban Quản lý các KCN đang tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đổi mới công tác thu hút đầu tư theo hướng chủ động chọn lọc các dự án công nghệ hiện đại, quy mô vốn đầu tư lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, trong đó ưu tiên dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ AI... góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng, chuyển đổi xanh, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Bài, ảnh: Lưu Nhung