Nhiều năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nền nếp, ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, những cá nhân tiêu biểu có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Nhiều năm qua, trên những cánh đồng ở các địa phương huyện Vĩnh Tường không còn tình trạng rác thải, chai, vỏ hộp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vứt bừa bãi. Thay vào đó, rác thải được bỏ vào bồn chứa và xử lý rất gọn gàng, sạch sẽ.
Có được sự thay đổi đó là bởi từ năm 2021, Hội Nông dân huyện đã phát động xây dựng mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” và lấy đó làm mô hình tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí lắp đặt bồn chứa vỏ thuốc BVTV; lắp đặt bồn chứa ở những vị trí phù hợp đảo bảo an toàn, thuận tiện cho bà con nông dân.
Đến nay, mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” đã được lan tỏa, nhân rộng tới 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện với 1.175 bồn chứa. Điển hình trong triển khai mô hình là Hội Nông dân các xã Bình Dương, Thượng Trưng, Cao Đại, Lũng Hòa, Tuân Chính, Yên Lập, Ngũ Kiên…
Các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hội viên, nông dân các biện pháp thu gom bao bì thuốc BVTV; phối hợp mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng thuốc BVTV tránh gây ô nhiễm môi trường. Từ khi triển khai mô hình đến nay đã góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên những cánh đồng, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người dân.
Mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Đặng Văn Chinh, thôn Lạc Trung, xã Bình Dương cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trường Khanh
Để tạo động lực thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, Hội Nông dân huyện tuyên truyền, vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT mới. Khuyến khích nông dân đầu tư phát triển trang trại, gia trại; hướng dẫn hội viên lập dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để phát triển sản xuất...
Năm 2024, Hội Nông dân huyện tổ chức 132 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho 11.850 lượt cán bộ, hội viên; đẩy mạnh các hoạt động cung ứng giống, vốn, vật tư phân bón, thuốc BVTV, giúp nông dân thuận lợi hơn trong phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Cùng với đó, Hội Nông dân huyện còn chỉ đạo thành lập tổ nghề nghiệp, tổ nông dân tham gia HTX tại 100% xã, thị trấn có nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, 100% thành viên tham gia tổ liên kết sản xuất đều được hỗ trợ vốn vay sản xuất nông nghiệp; một số hội viên được hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình hoặc duy trì hoạt động đối với các mô hình có hiệu quả cao.
Thực hiện lời dạy của Bác “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”, Hội Nông dân huyện đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, hội viên, cụ thể hóa việc học Bác qua các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Năm 2024, toàn huyện có 13.460 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua phong trào xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình cho ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.
Điển hình như mô hình trồng nho sữa Hàn Quốc cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm của anh Vũ Văn Yên (xã Yên Bình); mô hình chăn nuôi bò sữa của bà Lương Thị Đoan (xã Vĩnh Thịnh); mô hình chăn nuôi gà thịt của bà Nguyễn Thị Dàng (xã Lũng Hòa), mô hình nuôi gà trứng của bà Phan Thị Hương (xã Bình Dương)...
Đặc biệt, ông Nguyễn Tiến Lộc (xã Vĩnh Thịnh) - Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh đã tiên phong đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất sữa bò hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, tạo nên thương hiệu Sữa Vĩnh Tường.
Mô hình đã phát triển các sản phẩm từ sữa bò không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nông dân địa phương. Với những nỗ lực đó, ông Lộc được vinh danh là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Cùng với thi đua phát triển kinh tế, các cấp hội đã tích cực vận động hội viên và nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Làng văn hóa kiểu mẫu. 5 năm qua, hội viên nông dân các cấp trong huyện đã đóng góp được 7,8 tỷ đồng; 13.650 ngày công; hiến trên 13.500 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa; tham gia sửa chữa, làm mới nhiều cầu, cống, đường giao thông, tham gia cải tạo và xây mới được 127 km cống, rãnh thoát nước thải tại khu dân cư.
Hội đã tích cực phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể triển khai hiệu quả mô hình tuyến đường tự quản "Sáng-xanh-sạch-đẹp" tại các xã, thị trấn tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, văn minh ở khu dân cư.
Phong trào nông dân thi đua làm theo lời Bác đã góp phần giúp cán bộ, hội viên nông dân huyện Vĩnh Tường phát triển kinh tế theo hướng ổn định, bền vững. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phương Loan