Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ hai, năm 2024 (Techfest VinhPhuc 2024), chiều 20/12, tại Nhà hát tỉnh đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Đổi mới sáng tạo - Kết nối doanh nghiệp” với hơn 350 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức, sinh viên, học sinh trong tỉnh tham dự. Nhiều xu hướng phát triển, câu chuyện khởi nghiệp được chia sẻ, truyền tải mạnh mẽ thông điệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến cộng đồng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gay gắt, hợp tác đầu tư và đổi mới công nghệ trở thành yếu tố sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech Nguyễn Trung Kiên cho rằng sự đổi mới trong công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Để doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng, các cấp, ngành cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư và đổi mới sáng tạo, đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm đột phá trên thị trường.
Tập trung vào thị trường ngách. Đây là phân khúc thị trường có quy mô nhỏ hơn, đòi hỏi kỹ thuật cao và sản lượng thấp nhưng mang lại lợi nhuận lớn. Các lĩnh vực như hàng không, y tế, bán dẫn và robot đang là những điểm đến hấp dẫn.
Đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo; hỗ trợ nhân viên tham gia các khóa học nâng cao trình độ, các hội thảo chuyên ngành và chương trình trao đổi quốc tế. Điều này không chỉ giúp nhân viên cập nhật kiến thức mới mà còn tạo động lực để họ cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.
Diễn giả Trần Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khách hàng doanh nghiệp, Tổng Công ty giải pháp Viettel tham luận tại hội thảo.
Chia sẻ về mạng 5G và ứng dụng cho phát triển sản xuất công nghiệp, ông Trần Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khách hàng doanh nghiệp, Tổng Công ty giải pháp Viettel cho biết: Phát triển hạ tầng mạng di động 5G là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển hạ tầng số quốc gia. Mạng viễn thông di động 5G là một trong những thành phần quan trọng bậc nhất của chuyển đổi số.
Hệ sinh thái các giải pháp 5G cung cấp cho sản xuất công nghiệp nhiều giải pháp điển hình như tự động hóa kiểm tra chất lượng sản phẩm; tối ưu hóa quá trình bảo trì, sửa chữa thiết bị, hướng dẫn, đào tạo kỹ sư tại nhà máy.
Xe tự hành (AGV/ARM) vận chuyển hàng hóa trong nhà máy, nhà kho, giúp tự động hóa quy trình vận chuyển và tối ưu chi phí nguồn lực. Giảm thiểu lỗi do con người, nâng cao độ chính xác trong quản lý hàng hóa; giám sát dây chuyền sản xuất, giám sát an ninh…
Hiện tại, Viettel đã phủ sóng 5G tại 100% thủ phủ các tỉnh và địa phương, khu công nghiệp, phục vụ hơn 30% thuê bao là thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Viettel sẵn sàng song hành cùng lộ trình chuyển đổi số của tất cả các lĩnh vực sản xuất tại Vĩnh Phúc nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung.
Đánh giá cao những kết quả trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Vĩnh Phúc thời gian qua, ông Nguyễn Văn Quang, chuyên gia tư vấn ứng dụng AI, VNPT AI nhấn mạnh về vai trò của dữ liệu lớn trong phát triển kinh tế số; mục tiêu, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030; những trụ cột quan trọng phát triển Hệ sinh thái VNPT AI; mô hình khai phá dữ liệu, ứng dụng thực tế AI mà VNPT AI đã và đang triển khai.
"Với sự phát triển vượt bậc của AI, kinh tế số sẽ không chỉ định hình lại cách chúng ta làm việc và kinh doanh mà còn mở ra một tương lai nơi doanh nghiệp Việt phát huy được hiệu quả, sáng tạo, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và dấu ấn bản sắc Việt trong hành trình hội nhập toàn cầu. VNPT AI cam kết đồng hành thực chiến cùng chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh Vĩnh Phúc trong suốt hành trình đó”, ông Nguyễn Văn Quang khẳng định.
Trao đổi về kinh nghiệm trong khởi nghiệp, ông Đàm Đắc Quang, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Lumi Smart Factory Việt Nam chia sẻ: Đội ngũ sáng lập của Lumi xuất thân là những sinh viên ngành tự động hóa của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Cơ sở ban đầu chỉ là căn phòng thuê trọ rộng 25 m2 trên tầng 4, vừa là nơi nghiên cứu, chế tạo vừa là nơi học tập, sinh hoạt. Để có chi phí vận hành công ty, họ dành 50% thời gian cho việc nghiên cứu, 50% dành cho việc kiếm tiền.
Mọi người nhận nhiều công việc khác nhau, liên quan đến sửa chữa, thiết kế, lập trình hệ thống điện cho một số nhà máy như nhà máy cán thép, nhà máy xi măng, trạm bơm nước, thậm chí chui xuống hầm than để sửa chữa hệ thống điện.
Vượt qua nhiều khó khăn, sau 12 năm, Lumi Smart Factory Việt Nam đã từng bước vươn mình trở thành doanh nghiệp hàng đầu về Smarthome, thương hiệu Smarthome Việt Nam đầu tiên đạt chứng chỉ CE tiêu chuẩn châu Âu, thương hiệu Smarthome đạt danh hiệu TOP 10 doanh nghiệp A-IoT Việt Nam.
Với năng lực sản xuất vượt trội, Lumi Smart Factory Việt Nam hiện có hàng trăm nhà phân phối trên 63 tỉnh, thành toàn quốc và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, bao gồm Israel, Thái Lan, Ấn Độ, Lebanon…
Theo ông Quang, để khởi nghiệp thành công, ngoài ý tưởng, sự nỗ lực, kiên trì, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng được giá trị cốt lõi, là định hướng, kim chỉ nam cho hoạt động của doanh nghiệp.
Ở Lumi Smart Factory Việt Nam, giá trị cốt lõi được xây dựng dựa trên các nền tảng về con người, văn hóa doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm dịch vụ không ngừng được cải tiến, nâng cao để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng phát triển của thị trường…
Nguyễn Khánh - Hồng Tính (lược ghi)