*Chủ tịch HĐND phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên Đinh Duy Đông: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội
Xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác này.
Nhờ đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã dần đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện trên nhiều lĩnh vực như việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước có nhiều chuyển biến. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường. Việc bố trí, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần giảm nhẹ gánh nặng ngân sách chi cho lương và phụ cấp cán bộ...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên Đinh Duy Đông.
Những kết quả đạt được trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Tuy nhiên, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác quản lý về đầu tư, xây dựng ở một số địa phương còn để thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ. Quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công của Nhà nước vẫn còn xảy ra sai phạm, tham ô, tham nhũng, tiêu cực gây bất bình trong nhân dân. Công tác quản lý tài nguyên, đất đai còn xảy ra tình trạng buông lỏng dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, không có hiệu quả nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng quy hoạch treo, dự án treo vẫn còn xảy ra…
Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, tôi và đông đảo cử tri phường Trưng Nhị mong muốn HĐND tỉnh sẽ có đánh giá khách quan, thực chất những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Đồng thời đề ra những giải pháp phù hợp nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng phát huy hiệu quả.
*Bí thư Chi bộ tổ dân phố Chám, phường Định Trung (thành phố Vĩnh Yên) Lê Văn Tân: Tăng cường các biện pháp đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, tôi được biết năm 2024, công tác phòng ngừa tội phạm tiếp tục được triển khai theo chiều sâu, cảm hóa giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để hình thành tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, không để tội phạm lộng hành gây bức xúc trong nhân dân…
Tuy nhiên, người dân trong tỉnh phải đối diện với nhiều nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Nếu người dân không trang bị thông tin pháp luật, hiểu biết xã hội thì dễ bị tội phạm lừa đảo với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Để bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, phòng ngừa tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, chiếm đoạt tài sản, tôi đề nghị lực lượng Công an tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự.
Công an các cấp trong tỉnh triển khai biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với phòng ngừa xã hội, trong đó, lực lượng Công an tỉnh chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh và đa dạng những hình thức tuyên truyền về kỹ năng nhận diện và phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để người dân nắm bắt, chủ động phòng ngừa…
*Đồng chí Đào Anh Tuấn, cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Vĩnh Yên: Nâng cao hiệu quả thực hiện kiến nghị phòng ngừa vi phạm
Năm 2024, nhằm nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật, thông qua chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp trong tỉnh đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Các kiến nghị của Viện KSND hai cấp trong tỉnh sau khi ban hành đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ quan, tổ chức. Ngay sau khi nhận được kiến nghị, các đơn vị đã có văn bản trả lời, đồng thời đề ra các giải pháp thiết thực để khắc phục, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Tại Kỳ họp thường kỳ cuối năm 2024 của HĐND tỉnh, tôi mong muốn các đại biểu sẽ dành nhiều thời gian để bàn và đưa ra nhiều giải pháp chủ động phối hợp giữa các cấp, ngành, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện kiến nghị phòng ngừa vi phạm.
Qua đó góp phần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển KT-XH của tỉnh.
*Đồng chí Đào Tuấn Đạt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên: Tăng hỗ trợ đầu tư, mức khoán bảo vệ rừng
Toàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 37 nghìn ha, chiếm 27,5% diện tích tự nhiên. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; chất lượng, trữ lượng rừng đã có những chuyển biến tích cực, độ che phủ rừng đến năm 2024 đạt 25%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp có chu kỳ dài, mức độ rủi ro cao do chịu tác động từ các yếu tố bất lợi của thời tiết, khí hậu..., hiệu quả sản xuất thấp nên chưa thu hút được lao động và chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp.
Để nâng cao chất lượng rừng, duy trì độ che phủ rừng, tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi mong muốn HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua nghị quyết quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư, mức khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Đây sẽ là căn cứ để nâng mức khoán bảo vệ rừng cho người trồng rừng, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát huy lợi ích to lớn từ rừng đem lại.
*Đồng chí Kim Văn Huyên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Vân (Tam Dương): Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
Đồng chí Kim Văn Huyên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Vân (Tam Dương).
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân được thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của hiến pháp và pháp luật.
Nhiều năm nay, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh luôn phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận của nhân dân, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Để thực hiện tốt việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; đặc biệt quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tại cơ sở. Nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ; gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với quy chế hoạt động tại cơ quan, đơn vị...
Tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần này, tôi mong muốn các đại biểu sẽ dành nhiều thời gian để bàn và đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở. Xây dựng cơ chế thông tin đa chiều, thực hiện minh bạch, công khai thông tin, đáp ứng quyền được thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân; phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở...
*Ông Trần Quốc Trịnh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Viên Luận, xã Đồng Ích (Lập Thạch): “Tổ chức thêm nhiều phiên tòa xét xử lưu động để người dân theo dõi, nắm bắt pháp luật”
Năm 2024, Tòa án nhân dân các cấp trong tỉnh đã quan tâm, tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Các vụ án đưa ra xét xử lưu động đã được ngành Tòa án cân nhắc, lựa chọn kỹ, đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của từng địa phương.
Thông qua việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các phiên tòa xét xử lưu động được tổ chức đến các xã, phường, thị trấn còn ít. Các vụ án đưa ra xét xử vẫn chủ yếu là các vụ án hình sự liên quan đến ma túy.
Để nâng cao hơn nữa hiểu biết pháp luật cho người dân, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm, tôi mong muốn trong năm 2025, Tòa án nhân dân và các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các phiên tòa xét xử lưu động đến các địa phương để người dân theo dõi, nắm bắt pháp luật.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân các cấp trong tỉnh cũng nên đưa các vụ án liên quan đến vi phạm giao thông ra xét xử lưu động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân về vấn đề này, nhất là giới trẻ.
*Cử tri Đào Văn Lin, thôn Đồng Dạ, xã Quang Yên, huyện Sông Lô: Tiếp tục tạo điều kiện để người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tốt vai trò
Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, thường xuyên thăm hỏi, động viên, chúc mừng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp lễ, Tết. Người có uy tín thường xuyên được tham gia các hội nghị, lớp tập luấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin…
Sự quan tâm này đã động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tôi mong muốn sau kỳ họp này, HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu có chính sách quan tâm, chăm lo, đãi ngộ thiết thực giúp người có uy tín có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn; khẳng định vai trò, vị trí, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.
*Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Thị Hương Giang: Cần kiện toàn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất
Gần 30 năm hoạt động, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả, giúp hội viên nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế.
Thông qua hoạt động của quỹ, vai trò của tổ chức hội ngày càng được khẳng định, đồng thời giúp các cấp hội đổi mới phương thức đoàn kết, tập hợp hội viên nông dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 130.000 hộ hội viên nông dân, trong đó khoảng 11.000 hộ hội viên có nhu cầu vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nguồn vốn hiện tại của quỹ chỉ đáp ứng được 7,8% nhu cầu vay vốn.
Để giải quyết vấn đề này, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.
Đề án đặt ra mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 37 tỷ đồng hiện nay lên 100 tỷ đồng vào năm 2030. Nguyên tắc hoạt động của quỹ sẽ được bảo đảm dựa trên sự tự chủ về tài chính, minh bạch, không vì mục tiêu lợi nhuận và ưu tiên bảo toàn, phát triển nguồn vốn.
Việc kiện toàn bộ máy hoạt động và tăng nguồn vốn của quỹ không chỉ đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất của hội viên mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nông dân. Đồng thời, đây cũng là động lực lớn cho công tác hội và phong trào nông dân trong thời kỳ mới.
Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVII, tôi mong muốn HĐND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết thông qua Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
*Cử tri Hà Văn Hân, thôn Quế Nham, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Qua theo dõi, tôi được biết, năm 2024, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm, giải quyết hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Số lượng vụ việc ngày càng giảm; tính chất, mức độ không gay gắt, phức tạp. Đặc biệt, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm hơn 18%; số vụ việc khiếu nại giảm hơn 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chiếm tỷ lệ cao. Đây là những lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân.
Tại kỳ họp thứ 19 của HĐND tỉnh khóa XVII, tôi mong muốn các đại biểu tiếp tục thảo luận, tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nói chung, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng nói riêng. Đồng thời, có chính sách, quy định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này để giải quyết dứt điểm các vấn đề, vụ việc còn tồn đọng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
*Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tam Dương Nguyễn Hữu Thủy: Quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động, nên nhiều lao động không có việc làm, rất khó tìm việc làm mới. Để giải quyết vấn đề này, tại kỳ họp thứ 19 của HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri chúng tôi mong muốn HĐND tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, nâng cao hiệu quả công tác định hướng nghề nghiệp; hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo quy định của pháp luật.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách đã đề ra nhằm đảm bảo an sinh xã hội và đời sống cho người lao động, nhất là lao động không có việc làm, lao động bị mất việc làm.
P.V