Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc khẩn trương rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực quản lý, thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đẩy mạnh cải cách TTHC trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa phương; rút ngắn thời gian tiếp nhận, giải quyết một số TTHC, đặc biệt là rà soát, bãi bỏ các TTHC không cần thiết. Từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cắt giảm chi phí không cần thiết phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, triển khai đến cấp cơ sở thông qua nhiều văn bản, chương trình, đề án, kế hoạch.
Qua 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2010 - 2020, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về CCHC được nâng lên; tinh thần, thái độ và ý thức trách nhiệm trong giải quyết công việc được nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư tốt hơn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phát huy hiệu quả.
Đến nay, Vĩnh Phúc đã kết nối 651 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng DVC quốc gia; chỉ đạo, thực hiện rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết của 825 TTHC có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc, đặc biệt là các TTHC liên quan đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Các thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp bứt phá về cải cách TTHC, sau những thụt lùi về điểm số và thứ hạng trong giai đoạn 2016-2020, năm 2021, Vĩnh Phúc lọt vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng Chỉ số CCHC, tăng 10 bậc so với năm 2020. So sánh với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc chỉ xếp sau Hải Phòng và Quảng Ninh.
Năm 2023, nhiều chỉ số của tỉnh được cải thiện tích cực về cả điểm số và xếp hạng trên các bảng xếp hạng về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư như xếp vị trí 39/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng về chỉ số CCHC; xếp vị trí 24/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ cơ quan hành chính (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố.
Tính riêng tháng 11/2024, Vĩnh Phúc đạt tổng điểm 80,5 (tăng 1,8 điểm so với tháng 10), đạt loại tốt, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 hạng) trong bảng đánh giá, xếp hạng bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVC quốc gia.
Để đạt được kết quả đó, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện và ban hành kế hoạch tuyên truyền CCHC theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Nhiều mô hình, sáng kiến trong công tác CCHC được áp dụng theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản về thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh đã đơn giản hóa 26 TTHC thuộc các lĩnh vực như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải... nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện TTHC, DVC trực tuyến; cung cấp hệ thống Chatbot trả lời tự động các câu hỏi, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về TTHC trên nền tảng Zalo, Facebook và Cổng DVC tỉnh.
Riêng lĩnh vực thuế, tỉnh cam kết cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế xuống còn 40 ngày làm việc và cắt giảm TTHC để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước xuống dưới 115 giờ/năm; thực hiện số hóa, liên thông hồ sơ điện tử các TTHC thuộc lĩnh vực đất đai giữa cơ quan Thuế và Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ được ký số khi luân chuyển giữa hai đơn vị, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch. Người dân nhận thông báo nghĩa vụ tài chính bằng bản điện tử và có thể thanh toán trực tuyến ngay qua Cổng DVC quốc gia mà không cần đi lại nhiều lần giữa Văn phòng Đăng ký đất đai - cơ quan thuế - ngân hàng/kho bạc Nhà nước.
Tính riêng tháng 11/2024, toàn tỉnh phát sinh 2.915 khoản thu nghĩa vụ tài chính về đất đai với tổng số tiền thu về ngân sách Nhà nước trên 16,8 tỷ đồng.
Tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo tinh thần “kiến tạo”, “phục vụ”, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác CCHC để nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS. Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
Triển khai hiệu quả Hệ thống cổng thông tin điện tử; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống phòng, chống mã độc theo mô hình quản trị tập trung; Hệ thống thư công vụ… góp phần nâng cao hiệu quả công việc và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng...
Ngọc Lan