Phát huy nghề làm bánh tẻ truyền thống, người dân xã Tứ Yên (Sông Lô) không ngừng học hỏi, đổi mới phương thức làm bánh, góp phần tăng thêm hương vị đặc trưng riêng của sản phẩm. Đồng thời đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất sản phẩm theo hướng hàng hóa, có tem truy xuất nguồn gốc, được thị trường đón nhận, trở thành sản phẩm OCOP tiềm năng của huyện Sông Lô.
Người dân Tứ Yên xưa vẫn có câu ca rằng: “Quê tôi ăn Tết cổ truyền - Riêng thứ bánh tẻ chẳng quên năm nào” mang ý nghĩa về món ăn truyền thống đã gắn bó với người dân nơi đây từ nhiều thế hệ.
Theo người dân địa phương, trước đây, các hộ làm bánh tẻ chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, quy trình chế biến thủ công và dựa vào kinh nghiệm, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu nên sản phẩm dù có chất lượng tốt nhưng chưa đồng đều, đầu ra còn bấp bênh.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của thị trường và quyết tâm không để nghề truyền thống bị mai một, người dân xã Tứ Yên không ngừng học hỏi, đổi mới phương thức sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời chú trọng đến quy trình chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.
Nghề làm bánh tẻ tại xã Tứ Yên (Sông Lô) được người dân địa phương lưu giữ qua nhiều thế hệ, xây dựng trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh tẻ, bà Nguyễn Thị Bảo, thôn Yên Kiều đã nghiên cứu, thử nghiệm với nhiều công thức từ kinh nghiệm của cha ông để lại và các hộ làm bánh lâu năm tại địa phương để chuẩn hóa quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm “Bánh tẻ Tứ Yên” được thị trường đón nhận. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất bánh tẻ của bà Bảo cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh gần 1 triệu chiếc với giá bán 5.000 đồng/chiếc.
Bà Bảo cho biết: “Bánh tẻ là món ăn ngon, nguyên liệu làm bánh tuy đơn giản, song cách chọn nguyên liệu và làm bánh cần có sự tỉ mỉ. Gạo làm bánh phải chọn loại gạo tẻ ngon, hạt đều, trắng, khi chín có độ dẻo, thơm, tạo thành bột bánh màu trắng, sánh mịn, sau khi sơ chế có độ quánh nhất định; nhân bánh làm từ thịt lợn tươi, chọn phần nạc vai hoặc ba chỉ đảm bảo 1 phần mỡ, 2 phần nạc, sau đó băm nhỏ trộn với hành lá, mộc nhĩ và gia vị; lá dong gói bánh phải tươi, có màu xanh đậm, tạo cho bánh hương thơm và màu xanh ngọc hấp dẫn…
Mẻ bánh đạt tiêu chuẩn phải đều về kích thước, vỏ xanh, lòng trắng, khi ăn có vị dẻo, giòn của vỏ bánh, vị ngậy của nhân bánh quyện với mùi thơm của lá dong”.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh tẻ của bà Nguyễn Thị Bảo được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sản phẩm được đóng hộp bảo quản, dán nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc theo quy định, được UBND huyện Sông Lô đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tứ Yên Hà Thu Tình cho biết: “Trước đây, nghề làm bánh tẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân trong xã và một số địa phương lân cận vào các dịp lễ, Tết. Đến nay, các hộ làm bánh tập trung còn khoảng 30 hộ, phần lớn tại thôn Yên Kiều.
Hiện nay, bánh tẻ Tứ Yên đã có nhiều đơn đặt hàng ngoài địa bàn tỉnh, tạo thu nhập cho người làm bánh trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Những tháng cuối năm, đơn hàng thường tăng gấp đôi, giúp người dân có thu nhập không dưới 10 triệu đồng/người/tháng”.
Để nâng tầm thương hiệu sản phẩm bánh tẻ, UBND xã Tứ Yên đã lên kế hoạch xây dựng làng nghề truyền thống tại thôn Yên Kiều; định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ thương mại, sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội…
Khuyến khích các hộ làng nghề hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn trong quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh địa phương.
Hoàng Sơn