Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, buôn bán trên địa bàn, các cấp chính quyền địa phương đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, khuyến khích các tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ truyền thống tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các giao dịch mua bán, thanh toán, quảng bá và giới thiệu sản phẩm.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2011-2016, Vĩnh Phúc có 65 chợ nông thôn được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và 1 chợ đầu mối được đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 81 chợ truyền thống, 1 chợ đầu mối, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và mạng lưới các cửa hàng tự chọn phủ khắp từ thành thị đến các vùng nông thôn, miền núi, đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân.
Góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong các hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ trên địa bàn, năm 2022, Viettel Vĩnh Phúc đã phối hợp với chính quyền 7/9 huyện, thành phố triển khai chương trình “Đi chợ công nghệ - Để Viettel Money lo”.
Tham gia mô hình, các tiểu thương được hỗ trợ tạo tài khoản Viettel Money để giao dịch. Các điểm kinh doanh được trang bị bảng quét mã QR giúp khách hàng dễ dàng thanh toán. Ngay cả khi điện thoại của khách hàng không có kết nối Internet vẫn có thể thanh toán được thông qua việc nhập mã trên điện thoại.
Người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch mua bán hàng hóa tại chợ Hợp Châu (Tam Đảo). Ảnh: Thế Hùng
Qua đó không chỉ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, kích thích mua sắm mà còn hỗ trợ tiểu thương nhân rộng các phương thức bán hàng hiện đại thông qua những sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội khác.
Từ hiệu quả của mô hình này, tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn đã và đang từng bước thay đổi tư duy, tiếp cận và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào hoạt động buôn bán, kinh doanh.
Là chợ truyền thống phục vụ nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của địa phương và các xã lân cận, năm 2015, chợ Bồ Sao, xã Bồ Sao (Vĩnh Tường) được xây mới với tổng diện tích mặt bằng hơn 8.000m2.
Chợ gồm các hạng mục theo quy định như nhà chợ chính với 2 khu, chia thành 5 dãy, mỗi dãy có khoảng 20 ki ốt; khu vực ngoài trời gồm 7 dãy được đầu tư thêm hệ thống mái tôn; hệ thống nhà kho và các hạng mục nhà điều hành, nhà để xe, hệ thống rãnh thoát nước trong và ngoài chợ, điện chiếu sáng.
Năm 2019, chợ Bồ Sao là 1 trong 3 chợ đầu tiên của tỉnh được hỗ trợ xây dựng mô hình chợ thí điểm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Để tạo điều kiện cho người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ tiểu thương lập tài khoản ngân hàng, trang bị mã QR, khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán.
Ông Đỗ Văn Tươi, Trưởng Ban quản lý chợ Bồ Sao cho biết: Đến nay, 100% quầy hàng trong nhà chợ chính đã cài đặt các phương thức thanh toán hiện đại, một số tiểu thương thường xuyên livestream bán hàng, đưa sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook để quảng bá, chào bán; khoảng 40% khách hàng mua sắm tại chợ lựa chọn thanh toán điện tử bằng cách quyét mã QR tại quầy hàng hoặc chuyển khoản. Qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số của địa phương.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đến nay, hạ tầng thương mại điện tử, hệ thống truyền dẫn trên địa bàn phát triển mạnh mẽ, được cáp quang hóa 100%, các dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh và những công nghệ lạc hậu đã dần được thay thế bởi công nghệ tiên tiến.
Đây là tiền đề, cơ hội để tiểu thương, hộ kinh doanh đa dạng hóa các phương thức bán hàng mới trên nền tảng công nghệ số, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển KT-XH trên địa bàn.
Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2024 về phát triển và quản lý chợ. Với các điểm mới như cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn; bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ... sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý, phát triển, đầu tư xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ số tại các chợ trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay giao dịch mua bán hàng hóa tại các chợ truyền thống giảm khá nhiều so với vài năm trước bởi sự ra đời của các loại hình kinh doanh mới.
Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn cần thay đổi tư duy, tiếp cận và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, thương mại điện tử vào hoạt động buôn bán.
Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để người dân, tiểu thương tiếp cận các phương thức kinh doanh, thanh toán điện tử hiện đại.
Hồng Tính