Trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương lân cận, Vĩnh Phúc đã đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm để đón dự án đầu tư chất lượng cao gắn với phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái.
Nhờ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đạt hơn 92%. Ảnh: Thế Hùng
Nhận diện những khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư giai đoạn mới và xu hướng lựa chọn các nhà đầu tư FDI là phát triển KCN sinh thái, bền vững, tỉnh đã thay đổi cách thức, giải pháp thu hút đầu tư và phương thức tiếp cận đối tác đầu tư thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách và triển khai các đề án cụ thể.
Thường xuyên tổ chức hội nghị giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các cấp, ngành, doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, đẩy mạnh sản xuất.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 81 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả vùng và là trung tâm công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội…
Tỉnh đã đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối liên vùng, tạo sức lan tỏa thu hút đầu tư; phối hợp với tỉnh Phú Thọ hoàn thành đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô; triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc... Qua đó rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh, thành phố và giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ, công trình phúc lợi tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cơ bản phục vụ thu hút đầu tư với vốn đăng ký đầu tư của các dự án hạ tầng KCN giai đoạn 2021 - 2025 tăng 2,14 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Kenta Kawanabe, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: Để KCN Thăng Long Vĩnh Phúc trở thành KCN kiểu mẫu của tỉnh, công ty đã xây dựng hạ tầng KCN tương đối đồng bộ, hiện đại; dành 20% quỹ đất cho hệ thống cây xanh, thảm cỏ, mặt nước và đường giao thông, tạo ra vòng tuần hoàn “lá phổi xanh”.
Đồng thời, công ty đầu tư xây dựng 5 nhà xưởng cho thuê phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, ít gây ảnh hưởng môi trường như Tập đoàn Toto, Daiwa, Tsuchiya... diện tích khoảng 2.000 m2/xưởng; xây dựng 26 phòng cho các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ phục vụ nhà đầu tư thứ cấp trong KCN như Vietinbank, Vietcombank, BIDV... tạo sự kết nối tuần hoàn, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư.
Đến nay, sau 7 năm đi vào hoạt động, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã hoàn thành cả 2 giai đoạn, thu hút 47 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, trong đó có 29 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 92%.
Nhờ chính sách chăm sóc tốt các nhà đầu tư tại chỗ và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tỉnh duy trì được sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong, ngoài nước và hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư cả nhiệm kỳ 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn đầu tư FDI đạt 2,5 tỷ USD.
Riêng năm 2024, kết quả thu hút vốn FDI vượt mục tiêu đề ra, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều thách thức hiện nay với tổng vốn đầu tư FDI thu hút ước đạt 600 triệu USD, tăng 50% so với kế hoạch; vốn đầu tư DDI ước đạt 5.500 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra.
Hiện, có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như NorthStar Precious; Sojit, Kraft Vina... quan tâm đầu tư tại tỉnh. Ước GRDP năm 2024 của tỉnh tăng 7,5 - 7,8% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8 - 7%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng từ 7,5 - 8,5%).
Để tăng lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; quan tâm lắng nghe kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành theo phương châm chỉ đạo của tỉnh "Lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển".
Đổi mới xúc tiến đầu tư có địa chỉ, quảng bá hình ảnh và văn hóa địa phương trong dòng chảy toàn cầu hóa; phát triển các dự án hạ tầng giao thông của vùng và liên vùng; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI; thu hút từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.
Mai Liên