Những năm qua, Công an tỉnh Lai Châu đã chủ động và phối hợp với nhiều đơn vị chức năng, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Công tác tôn giáo tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình và đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến tà đạo, đạo lạ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân miền biên ải Tây Bắc.
Nhận diện, phòng ngừa các vấn đề liên quan đến các loại tà đạo, đạo lạ
Theo ghi nhận của PV, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân tin, theo những tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, tỉnh Lai Châu còn làm tốt công tác đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của đối tượng xấu, các thế lực thù địch; đẩy lùi đạo lạ, tà đạo ra khỏi đời sống xã hội.
Công an huyện Mường Tè, Lai Châu thường xuyên tuyên truyền cho người dân nhằm đẩy mạnh đấu tranh chống đạo lạ, tà đạo trên địa bàn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trước kia, Lai Châu có 8 tà đạo, đạo lạ, gồm: Bà cô Dợ, Giê Sùa, Pháp môn diệu âm, Ân điển cứu rỗi, Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ, Hoàng Thiên Long, Xè A, Tia chớp phương Đông, môn phái Pháp Luân Công. Các tà đạo, đạo lạ này đa phần hoạt động xuyên tạc giáo lý, giáo luật của các tôn giáo chính thống hoặc cóp nhặt, sử dụng các thông tin sai sự thật, để tuyên truyền dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) và ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội của các cấp chính quyền cơ sở và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân...
Xuất phát từ tình hình thực tế, thực hiện nhiệm vụ được giao theo các chỉ thị, nghị quyết hằng năm của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an; Tỉnh ủy- HĐND- UBND tỉnh Lai Châu, lực lượng Công an Lai Châu đã chủ động và phối hợp tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ Công tác tôn giáo tỉnh ban hành nhiều văn bản như những “cuốn cẩm nang” chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chức năng tập trung nắm tình hình và đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến tà đạo, đạo lạ và thu được nhiều kết quả quan trọng.
Tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đề tài: “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh Lai Châu”.
Mới đây nhất, “cuốn cẩm nang” về “Vấn đề tà đạo, đạo lạ” do nhóm tác giả đề tài khoa học cấp tỉnh“Thực trạng và giải pháp phòng, chống tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh Lai Châu” biên soạn, trên cơ sở phát triển kết quả nghiên cứu đề tài đã phần nào giúp ích cho công tác nhận diện, phòng ngừa, giải quyết các vấn đề liên quan đến các loại tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh Lai Châu. “Quá trình biên soạn cuốn cẩm nang, nhóm tác giả đã kế thừa những kiến thức lý luận và thực tiễn được đề cập trong nhiều tài liệu, những bài viết của một số tác giả có liên quan đến vấn đề này” - TS, Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Chủ nhiệm đề tài cho biết thêm.
Ở Lai Châu, có 3 tôn giáo chính gồm: Công giáo, Phật giáo và Tin lành... Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, các điểm nhóm, chức sắc, chức việc, tín đồ luôn chấp hành và thực hiện nghiêm các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tôn giáo. Tuy nhiên, tại một số địa bàn, một số đối tượng, một số tín đồ các tôn giáo vẫn có những hoạt động chưa tuân thủ pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Có thể nhận diện một số đạo lạ, tà đạo như “Bà cô Dợ” (tên gọi khác Hội thánh Chúa yêu thương chúng ta) có nguồn gốc ở Mỹ, do Vừ Thị Dợ (SN1977, người Mông gốc Lào, thường trú tại thành phố Miwaukee, bang Wisconsin, Mỹ) sáng lập từ cuối năm 2016 và làm Hội trưởng. Hoạt động của đạo “Bà cô Dợ” chủ yếu sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Kênh Youtube...Mục đích tuyên truyền xuyên tạc và coi Vừ Thị Dợ là người được “Đức Chúa trời” chọn để sinh ra Chúa Jêsus lần thứ 2 có tên là Cứ Nu Si Lông (Nụ Sig Loob Kwn - Chúa “Nu Long”) sẽ cai quản thế giới 1.000 năm, nếu ai theo đạo Bà cô Dợ khi có chiến tranh, thiên tai lũ lụt xảy ra, sẽ được Chúa cứu sống và đưa lên thiên ...
Đạo lạ “Giê Sùa” do mục sư Hờ Chá Sùng (David Her), người Mông gốc Lào, quốc tịch Mỹ sáng lập, tài liệu tuyên truyền chủ yếu trích dẫn trong Kinh thánh (đạo Tin lành) và một số tài liệu do Hờ Chá Sùng soạn thảo, tán phát trên mạng Internet. Hội thánh Đức Chúa trời mẹ hoạt động tinh vi thông qua các ứng dụng trên không gian mạng, có một số nội dung cực đoan, phi khoa học và người theo phải dâng hiến 1/10 tài sản làm ra, từ bỏ thờ cúng tổ tiên...Đạo lạ Xè A có nguồn gốc từ nước ngoài, tuyên truyền luận điệu phi thực tế rằng, con người muốn không bị ốm đau, bệnh tật, gia súc, gia cầm không bị chết, hoa màu không bị mất mùa thì phải tin theo ông “Xè” thì mới tránh khỏi đói khổ, bệnh tật...
Hầu hết tà đạo, đạo lạ, thường không có cơ cấu tổ chức hoặc không chặt chẽ, không phải được lập ra để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo quần chúng nhân dân. Các “giáo lý”, “giáo luật” của tà đạo, đạo lạ chủ yếu được chắp vá, cải biên, xuyên tạc từ một số điều trong lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo truyền thống với mục đích là phục vụ lợi ích của người cầm đầu và một số đối tượng cốt cán, số thân tín của họ nhằm thu lợi về kinh tế thông qua thu lệ phí; lôi kéo, tập hợp người dân kém hiểu biết có hoàn cảnh khó khăn vào những hoạt động phức tạp...
Tăng cường đấu tranh trên không gian mạng, giải quyết tà đạo, đạo lạ
Những năm qua, Công an tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tà đạo, đạo lạ trên địa bàn, qua đó góp phần ổn định ANTT, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển, kinh tế, văn hóa, đối ngoại. Nổi bật, Công an tỉnh Lai Châu đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ công tác tôn giáo tỉnh ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chức năng tăng cường triển khai các mặt công tác, nắm tình hình và đấu tranh, xử lý hoạt động vi phạm pháp luật của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn; đẩy mạnh xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả các mô hình phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ, xây dựng các khu dân cư, xã, thị trấn an toàn về ANTT tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi tà đạo, đạo lạ.
Chính quyền xã Nùng Nàng, Công an huyện Tam Đường, Lai Châu và những người có uy tín trong dân tộc thiểu số thông tin với PV Báo CAND về những kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, cảm hóa những trường hợp tin theo tà đạo, đạo lạ tại địa bàn.
Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Tao Văn Trường, Phó Giám đốc Công an tinht cho biết: Những năm qua, Công an tỉnh đã chú trọng phát triển sâu rộng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Qua đó, những người có uy tín trong dân tộc thiểu số đã phát huy tốt vai trò, ảnh hưởng của họ trong dòng họ, trong dân tộc của mình để tuyên truyền, vận động, giáo dục, cảm hóa những trường hợp đồng tộc hay cùng dòng họ theo tà đạo, đạo lạ tại địa bàn. Đồng thời, các chức sắc tôn giáo chính thống tích cực tuyên truyền vận động tín đồ, giáo dân...trong điểm, nhóm tạo điều kiện giúp đỡ những người trước đây theo tà đạo, đạo lạ tái hòa nhập sinh hoạt tôn giáo thuần túy tại địa bàn, cũng như hỗ trợ, giúp đỡ họ yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.
Lai Châu hiện đang duy trì hiệu quả 49 loại mô hình tiêu biểu và nhân rộng ra 582 mô hình trong phong trào Toàn dân bảo ANTQ. Một số mô hình phát huy được hiệu quả, nhất là tại các địa bàn tôn giáo, dân tộc thiểu số, địa bàn bị ảnh hưởng bởi tà đạo, đạo lạ như: “Điểm sinh hoạt tôn giáo thuần túy bảo đảm ANTT”, “Bản làng bình yên”; “Dòng họ tự quản về ANTT”; “Camera an ninh”, “Móc khóa an ninh”, “Tổ liên gia tự quản”...Cùng với phát huy hiệu quả lực lượng Công chính quy tại xã, lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm chỉ đạo, phân công các các đồng chí lãnh đạo và CBCS đơn vị nghiệp vụ cấp tỉnh, huyện tăng cường xuống cơ sở, bám, nắm chắc địa bàn để gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân...
Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu thông tin: Với quyết tâm cao nhằm xóa bỏ 2 tổ chức “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ” và giải quyết hiệu quả các loại tà đạo, đạo lạ khác, gắn với công tác bảo đảm ANTT, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã chỉ đạo, thành lập 4 tổ công tác tăng cường cơ sở với 50 CBCS thuộc các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện xuống 17 xã của 5 huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, làm tốt vai trò nòng cốt, tham mưu với các cấp chính quyền bảo đảm ANTT ngay từ cơ sở, không để phát sinh các tình huống bị động, bất ngờ; vận động, hỗ trợ quần chúng và tập trung làm tốt công tác giải quyết tà đạo, đạo lạ. Qua đó, đến nay đã xóa bỏ hoàn toàn 3 tổ chức “Giê sùa”, “Bà cô Dợ” và “Ân điển cứu rỗi”; kìm chế, giảm mạnh hoạt động của các loại tội phạm và các tà đạo, đạo lạ khác trên địa bàn. Công an tỉnh Lai Châu cũng chủ động nắm chắc địa bàn, phòng ngừa và đấu tranh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra các hoạt động phức tạp, không để hình thành tụ điểm sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật.
Hiện nay, những công dân số bên cạnh lợi ích của Chính phủ số, Đề án 06, công nghệ số, mạng Internet mang lại thì cũng dễ bị ảnh hưởng bởi mặt trái, khi trên không gian mạng xuất hiện những hội, nhóm hoạt động núp bóng, nhằm lôi kéo người dân tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tuyên truyền, phát triển tà đạo, đạo lạ. Nếu không cảnh giác, người dân tin theo dễ bị lôi kéo vào các hoạt động tôn giáo trái pháp luật và các vi phạm pháp luật khác, dẫn đến những hậu quả, hệ lụy khó lường.
Công an tỉnh Lai Châu đã và đang bắt nhịp với xu thế đấu tranh mới, làm chủ an ninh thông tin, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm trên không gian mạng qua các công tác Công an và đối ngoại, hợp tác quốc tế. Tăng cường tuyên truyền Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành gắn với công tác đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền sai trái, thù địch trên không gian mạng…
Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đã tăng cường phối hợp trong tham mưu và triển khai thực hiện phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ cấp tỉnh đến huyện đến cấp huyện, cấp xã...
Chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đã và đang nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm giải quyết nhu cầu tinh thần, vật chất chính đáng cho nhân dân; tiếp tục nâng cao trình độ văn hóa, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc đang đặt ra hiện nay; hướng hoạt động tôn giáo của người dân thật sự lành mạnh, đúng pháp luật; kịp thời ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động của đạo lạ, tà đạo trên địa bàn, giữ bình yên và phát triển vùng đất Lai Châu nơi biên cương của Tổ quốc.
Tạ Ngọc (Theo cand.vn)