Với môi trường kinh doanh thuận lợi, cùng các chính sách thu hút đầu tư và chuyển đổi công nghiệp, Vĩnh Phúc đã và đang trở thành điểm dừng chân hấp dẫn tiếp theo của nhiều tập đoàn, công ty điện tử lớn, mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang thông thoáng; ưu tiên thu hút phát triển ngành Công nghiệp điện tử công nghệ cao; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, 5 năm gần đây, ngành điện tử và thiết bị điện trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng và đến nay đã trở thành một trong hai nhóm ngành có đóng góp lớn nhất về giá trị công nghiệp và lao động trong cơ cấu công nghiệp tỉnh.
Hiện, ngành Công nghiệp điện tử đã thu hút được hơn 200 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, trong đó có 6 doanh nghiệp FDI được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
Công ty TNHH Compal Việt Nam, khu công nghiệp Bá Thiện (Bình Xuyên) không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, đạt mức tăng trưởng cao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Trên địa bàn tỉnh đã có hơn 70 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cho các hãng điện tử Samsung, Dell và một số doanh nghiệp cung ứng linh kiện cho Apple..., đồng thời đã hình hình thành một số doanh nghiệp nội làm chủ chuỗi cung ứng sản xuất như Cosmos, Á Mỹ, CNC,...; sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang nước Mỹ, các quốc gia châu Âu và các thị trường lớn trên thế giới.
Theo tổng hợp của Tạp chí CommonWealth và Mạng Công nghệ Đài Loan, nhiều công ty điện tử lớn hàng đầu trên thế giới hiện đang tập trung đầu tư tại các khu công nghiệp ở miền Bắc như Samsung, LG, Display, Compal, Foxconn, Lens, WNC, Panasonic... Dự kiến, thời gian tới, miền Bắc sẽ nhanh chóng phát triển thành trung tâm sản xuất điện tử chính của cả nước.
Tận dụng lợi thế là "mắt xích" quan trọng trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á của nhiều nhà đầu tư lớn, trong định hướng thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, trong đó đặc biệt quan tâm thu hút lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, chíp bán dẫn.
Trong năm 2024, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh được đẩy mạnh, đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước tìm hiểu môi trường đầu tư và có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về sản xuất linh kiện, điện tử như Tập đoàn Samsung Việt Nam, Công ty cổ phần Signetics (Hàn Quốc)...
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, vượt lên các khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa hoạt động xuất, nhập khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử của tỉnh dự kiến sẽ đạt doanh thu tăng cao so với năm 2023 như Công ty TNHH Compal Việt Nam dự kiến doanh thu tăng 27%; Công ty TNHH BHFLex Vina tăng 49%; Công ty TNHH Arcadyan Technology Việt Nam tăng 47%... Dự kiến, năm 2024, ngành sản xuất linh kiện điện tử của tỉnh có mức tăng 14 - 16% so với năm 2023.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu hướng tới xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy...
Để đạt được mục tiêu này và tận dụng những cơ hội từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn điện tử đa quốc gia đến Việt Nam, tạo ra bước phát triển cho ngành Công nghiệp điện tử, tỉnh tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điện tử theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế.
Trong giai đoạn đến năm 2030, chuyển sang tập trung thu hút sản xuất và phát triển các sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao đảm bảo phát triển bền vững. Hình thành môi trường thuận lợi cho chuyển giao công nghệ trên cơ sở hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp sản xuất trong nước về công nghệ, quản lý, ứng dụng, kinh nghiệm sản xuất... tạo hiệu ứng lan tỏa công nghệ, lan tỏa kỹ năng trong phát triển ngành điện tử, sản phẩm linh kiện điện tử và thiết bị điện.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp gắn kết phát triển công nghiệp điện tử với kỹ thuật cơ khí và công nghệ thông tin để hình thành và phát triển các sản phẩm kết hợp trong lĩnh vực cơ điện tử như máy móc gia công cơ khí chính xác; máy móc sử dụng công nghệ cao cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và cả nước...
Lưu Nhung