Từng là "cái nôi" đầu tiên của cây thanh long ruột đỏ, đến nay, xã Vân Trục (Lập Thạch) tiếp tục phát triển nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn, thu lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Với 7.000 gà thương phẩm chăn nuôi theo phương pháp gia công, mỗi năm gia đình chị Trần Thị Nhàn thu lãi 200 triệu đồng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế đất đồi rừng, những năm qua, xã Vân Trục thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cây, con giống mới vào sản xuất.
Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã có hơn 57 nghìn con. Trong đó, đàn gà gần 53 nghìn con, đàn lợn hơn 2.400 con; trâu, bò gần 200 con.
Góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, đầu tháng 5/2024, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà thôn Tam Phú được thành lập với 8 thành viên. Đây là những hộ chăn nuôi quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Trần Lê Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Trục chia sẻ: Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà thôn Tam Phú được thành lập không chỉ thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương trong phát triển chăn nuôi mà còn mong muốn gắn kết các hộ chăn nuôi trên địa bàn để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đồng thời liên kết tìm đầu ra, hướng tới ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn, tiếp cận vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn.
Vừa xuất bán bán 7.000 gà thương phẩm sau 3 tháng thả nuôi, thu lãi 80 triệu đồng, chị Trần Thị Nhàn, thành viên Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà thôn Tam Phú cho biết: Sau khi tìm hiểu, học hỏi các mô hình chăn nuôi gà hiệu quả, năm 2021, gia đình đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại khép kín, thực hiện liên kết chăn nuôi theo hình thức gia công.
Theo đó, gia đình được cung cấp con giống đảm bảo, nguồn thức ăn chất lượng, đặc biệt được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cách phòng, chống dịch bệnh và bao tiêu đầu ra.
Với 7.000 gà thương phẩm/lứa, chăn nuôi 3 lứa/năm, mỗi năm gia đình tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Mới đây, gia đình tôi đã xây dựng thêm 1 dãy chuồng nuôi rộng hơn 6.000 m2 theo quy mô khép kín, thả nuôi 6.000 gà thương phẩm.
Cùng với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, hiện nay, toàn xã Vân Trục có hơn 60 ha diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Đây là cây trồng chủ lực của địa phương, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê nhà.
Theo tính toán của các hộ, nếu trồng 1 ha, tương đương hơn 1.000 trụ, doanh thu 1 năm khoảng hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 300 triệu đồng. Năm 2024, tổng doanh thu từ cây thanh long ruột đỏ của xã Vân Trục đạt gần 10 tỷ đồng
Cây thanh long ruột đỏ đã và đang giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã Vân Trục nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Là một trong những hộ trồng thanh long ruột đỏ với diện tích lớn ở thôn Vân Trục, anh Nguyễn Văn Độ chia sẻ: Cây thanh long ruột đỏ rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, quả ngọt đậm, thơm hơn so với thanh long trồng ở nơi khác. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống như sắn, bạch đàn, keo. Với hơn 1.500 trụ thanh long ruột đỏ, trung bình 1 năm, gia đình có thu nhập gần 400 triệu đồng.
Để xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển bền vững cây thanh long ruột đỏ, từ năm 2011, huyện Lập Thạch đã thực hiện dự án hỗ trợ trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 100 ha trên địa bàn huyện, trong đó có xã Vân Trục. Đồng thời phối hợp với các đơn vị giới thiệu, quảng bá hình ảnh tại các hội chợ, triển lãm trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất thanh long trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ của xã chiếm gần 50% tổng diện tích thanh long của huyện Lập Thạch.
Phát huy kết quả đạt được, Vân Trục đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt mở rộng quy mô chăn nuôi theo mô hình trang trại, ứng dụng công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, chủ động liên doanh, liên kết với các đơn vị bao tiêu đầu ra, hạn chế tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Đồng thời tiếp tục khai thác, phát huy thế mạnh của địa phương, gắn phát triển sản xuất thanh long ruột đỏ kết hợp mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, góp phần nâng cao giá trị nông sản, mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người nông dân.
Bài, ảnh: Hồng Tính