Xác định việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao sức khỏe đời sống nhân dân, huyện Tam Dương đã triển khai nhiều giải pháp để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc sử dụng nước sạch tập trung.
Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình tập trung trên địa bàn huyện Tam Dương đạt hơn 30%, riêng khu vực nông thôn đạt khoảng 36%.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Duy Phiên là 1 trong 3 xã của huyện Tam Dương đăng ký về đích xã nông thôn mới nâng cao năm 2023. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những tiêu chí bắt buộc là tỷ lệ hộ dùng nước sạch tập trung trên toàn xã phải đạt trên 65%. Tuy nhiên, theo thống kê, năm 2022 tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung trên toàn xã mới chỉ đạt 19,55%, tập trung ở thôn Thương và thôn Hạ. Trong khi đó, tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt vẫn diễn ra hằng ngày ở một số thôn trên địa bàn xã như Diên Lâm, Đông, Chùa, Cuối…
Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã đã nhiều lần báo cáo UBND huyện và chủ động đề xuất với Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc để đem nguồn nước sạch tập trung về với người dân. Qua lấy phiếu tham vấn cộng đồng về nhu cầu sử dụng nước, tổ chức họp dân, hướng dẫn thủ tục đăng ký lắp đặt hệ thống nước sạch ở 7 thôn, đã có 70% hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch.
Đầu tháng 8/2023, Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc đã triển khai Dự án hệ thống cấp nước sạch xã Duy Phiên, huyện Tam Dương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo thống kê, dự án cấp nước xã Duy Phiên, huyện Tam Dương có 2.254 hộ đăng ký nhưng chỉ có gần 1.400 hộ sử dụng.
Không chỉ riêng xã Duy phiên, tại hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Tam Dương như thị trấn Kim Long, thị trấn Hợp Hòa và các xã An Hòa, Hoàng Lâu, tỷ lệ hộ dân tham gia họp chỉ từ 13,1 - 20% và tỷ lệ hộ có nhu cầu dùng nước sạch đều dưới 63%.
Theo báo cáo của UBND Huyện Tam Dương, hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình tập trung trên địa bàn đạt hơn 30%, riêng khu vực nông thôn đạt khoảng 36%. Lý giải về nguyên nhân này, đại diện các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh đều cho rằng việc triển khai các dự án nước sạch tập trung khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn do thời gian giải quyết thủ tục đầu tư dự án còn kéo dài và phải qua nhiều bước; chi phí đầu tư lớn, trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay tại các tổ chức tín dụng khó khăn, bị từ chối với lý do hiệu quả đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn dài và không có tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, người dân có thói quen sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng khoan, giếng khơi. Tại một khu vực dự án cấp nước đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng nhiều hộ dân không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều người dân huyện Tam Dương chọn sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày để đảm bảo sức khỏe.
Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp
Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, nâng cao đời sống, giảm bệnh tật do ô nhiễm nguồn nước cho người dân trên địa bàn; đồng thời, đáp ứng tiêu chí nước sạch của huyện nông thôn mới cũng như đảm bảo sức khỏe của người dân, huyện Tam Dương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Dương Lê Xuân Bình cho biết: "Huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương về tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, UBND huyện đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn, trong đó có nội dung xây dựng nông thôn mới và chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung.
Các cơ quan Nhà nước tập trung chỉ đạo, quản lý, rà soát, cấp phép việc khai thác sử dụng nước ngầm có hiệu quả, đúng quy định. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế công bố công khai các thử nghiệm về chất lượng nước được sử dụng trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký sử dụng nước sạch tập trung, ủng hộ việc triển khai lắp đặt hệ thống tuyến ống cấp nước sạch đến từng hộ gia đình, cam kết sử dụng nước sạch, nhất là ở các xã đăng ký về đích xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025".
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã Đồng Tĩnh mới chỉ có 5/14 thôn dân cư được đầu tư tuyến ống dẫn nước sạch từ công trình tập trung với tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt khoảng 20%. Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tĩnh Lăng Xuân Trình cho biết:
"Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân nâng cao nhận thức trong việc sử dụng nước sạch, chính quyền địa phương cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ các thôn, hộ tổ chức lặp đặt hệ thống nước sạch thông qua việc hỗ trợ tiền cho các ca máy lắp đặt. Từ đó sớm đạt chỉ tiêu được giao về tỷ lệ người sử dụng nước sạch".
Tại thị trấn Kim Long, Đảng ủy, UBND thị trấn đã và đang cùng đơn vị thi công tuyến ống lắp đặt nước sạch tập trung tại 3 tổ dân phố 6, 7, 8 với tỷ lệ người dân đã đăng ký sử dụng lên đến 70%. Đối với các tổ dân phố còn lại, địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc sử dụng nước sạch.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kim Long Nguyễn Quang Hòa cho biết: "Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn, địa phương đã đưa vào nghị quyết của các chi bộ những chỉ tiêu cụ thể. Đồng thời giao cho từng tổ dân phố, tổ liên gia đăng ký thực hiện và lấy đó là căn cứ làm tiêu chí xếp loại thi đua".
Với những giải pháp quyết liệt cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng nhu cầu cấp thiết của người dân - đó là cơ sở để tin tưởng rằng, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình tập trung của huyện Tam Dương sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ