Với tình yêu nghề, yêu trò, những giáo viên dạy trẻ học hòa nhập không chỉ là thầy dạy chữ, mà còn là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành của những đứa trẻ không được may mắn. Ở họ có tấm lòng bao dung, kiên nhẫn, mong muốn bù đắp những thiệt thòi mà trẻ khuyết tật đang phải gánh chịu, giúp các em ngày càng tiến bộ, vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập vào cộng đồng và sống có ích.
Không chỉ là giáo viên giỏi, chuyên môn tốt, cô giáo Lê Thị Liễu, Trường Tiểu học Khai Quang (Vĩnh Yên) như người mẹ thứ hai của nhiều học sinh khuyết tật. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô đã dạy 5 học sinh khuyết tật ở nhiều dạng khác nhau. Sau khi được cô dìu dắt, hầu hết các em đều tiến bộ, hòa nhập tốt hơn khi đến trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Khai Quang (Vĩnh Yên) hỗ trợ học sinh khuyết tật học tập. Ảnh: Dương Chung
Năm học 2024 - 2025, lớp cô Liễu chủ nhiệm có em T.H.B, lớp 3A2 bị mắc hội chứng tự kỷ, gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp. Là người trực tiếp dìu dắt em B từ năm lớp 2, cô Liễu cho biết: “Từ những năm đầu tiên vào nghề, tôi đã có cơ hội được dạy trẻ học hòa nhập.
Với mong muốn có thể giúp đỡ học sinh khuyết tật hòa nhập, tôi tự tìm hiểu về các phương pháp giáo dục và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về giáo dục hòa nhập để trau dồi chuyên môn, có phương pháp giáo dục bài bản cho trẻ.
Khi tiếp nhận dạy B, em đang ở tình trạng không hiểu được những giao tiếp cơ bản, mỗi khi cần gì, muốn gì B đều tỏ thái độ la hét, nếu không được đáp ứng em thường xé sách, vở, đánh các bạn xung quanh.
Để giúp B hòa nhập với các bạn trong lớp, tôi thường xuyên trao đổi với giáo viên đã dạy B từ những năm trước và phụ huynh để nắm bắt được đặc điểm, tâm lý và những khó khăn của em để có kế hoạch dạy phù hợp.
Đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm trong giờ học và giờ ra chơi nhằm tăng cường sự tương tác 2 chiều giữa B và các học sinh trong lớp. Từ một học sinh không kiểm soát được hành vi, đến nay, B đã trở thành một học sinh ngoan, có thành tích học tập tốt, hòa đồng với các bạn trong lớp”.
Theo cô Liễu, những học sinh khuyết tật vốn dĩ thường rất tự ti, vì thế, điều các em cần trước hết là sự thấu hiểu, quan tâm. Khi cảm nhận được tình yêu thương, các em sẽ mạnh dạn, tự tin hòa nhập, học tập, vui chơi cùng tập thể. Vì thế, cô Liễu luôn coi học sinh khuyết tật như chính những người thân yêu của mình. Bằng tình yêu thương, bao dung, kiên nhẫn, cô đã vượt qua mọi khó khăn để dìu dắt nhiều học sinh khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Mặc dù tuổi nghề chưa nhiều, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Kha, Trường Tiểu học Cao Minh (Phúc Yên) luôn tâm huyết với công tác giáo dục trẻ học hòa nhập. Cô Kha cho biết: "Mỗi dạng khuyết tật có những đặc điểm khác nhau, nhưng phần lớn trẻ học hòa nhập bị hạn chế khả năng nhận thức, thậm chí có trẻ không thể nhận thức và không ý thức được các vấn đề cá nhân.
Vì thế, công việc dạy trẻ khuyết tật luôn phải chịu áp lực rất lớn. Để tiếp xúc làm quen với trẻ đã khó, dạy trẻ là cả một quá trình dài. Mỗi trẻ có một triệu chứng khác nhau nên cần có những giải pháp riêng mới có thể giúp trẻ phát triển, phát huy được thế mạnh của mình. Nếu giáo viên không quan tâm học sinh đúng cách, trẻ sẽ dễ bị chán nản, không thể phát triển được".
Nhắc về những kỷ niệm đáng nhớ, cô Kha chia sẻ: “Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi dạy học hòa nhập cho em Đ.T.H, học sinh bị khiếm thính, không nghe được dẫn tới không hiểu cô giáo nói, dạy gì. Sau 2 tuần nỗ lực hướng dẫn, em đã đọc được khẩu hình miệng và phát âm thành 2 tiếng “cô Kha”. Dù phát âm còn ngọng nhưng tôi và cả lớp vỡ òa trong hạnh phúc. Hiện tại, em H đã tiến bộ nhiều và tích cực trong nhiều hoạt động”.
Hiện nay, tại các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở, gần như trường nào cũng có học sinh học hòa nhập. Có nhiều loại khuyết tật mà các em mắc phải như khuyết tật về vận động; nghe, nói, nhìn; thần kinh, tâm thần; trí tuệ và các dạng khuyết tật khác. Đa số học sinh học hòa nhập thường không hòa đồng nên cần sự hỗ trợ đặc biệt trong học tập.
Vất vả, áp lực là vậy, nhưng hiện nay rào cản lớn nhất không phải đến từ giáo viên mà đến từ phía phụ huynh. Nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý mặc cảm, không chấp nhận con bị khuyết tật, không làm hồ sơ cho trẻ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho giáo viên trực tiếp đứng lớp mà còn gây thiệt thòi cho trẻ và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung.
Giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật là nhiệm vụ quan trọng và đầy tính nhân văn của ngành GDĐT, mang đến cơ hội cho học sinh khuyết tật tiếp cận giáo dục bình đẳng, không bị tách biệt khỏi môi trường giáo dục thông thường. Điều này không chỉ có ý nghĩa với gia đình các em, mà còn có ý nghĩa với chính trẻ khuyết tật và toàn xã hội.
Đây là điều kiện giúp học sinh khuyết tật sớm được can thiệp và khắc phục những khiếm khuyết, tự tin hòa nhập cộng đồng. Và chính những giáo viên dạy trẻ học hòa nhập đã tạo ra sức lan tỏa tích cực, giúp tương lai của các học sinh khuyết tật được mở ra tươi sáng hơn.
Minh Nguyệt