9 tháng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có những thuận lợi và khó khăn đan xen, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, hiệu quả, triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).
Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp, chương trình tín dụng nhằm đảm bảo cung cấp vốn đầy đủ cho nền kinh tế. Đến ngày 30/9/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 9% so với cuối năm 2023.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai một số chương trình tín dụng như Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (bão Yagi).
NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các "cú sốc" bên ngoài; đồng thời phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT (lãi suất, thanh khoản VND, truyền thông). Thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ. Mức mất giá của VND ở mức trung bình và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát, duy trì với biên độ phù hợp (giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới khoảng 5-7%), góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
Khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về thanh toán tiếp tục được NHNN hoàn thiện nhằm tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực. Hiện có khoảng 37,4 triệu hồ sơ khách hàng đã được các TCTD thu thập, đối chiếu thông tin; 23 TCTD và 13 loại tiền gửi thanh toán đang triển khai ứng dụng VNeID cho 3 luồng quy trình nghiệp vụ chính; 9 TCTD đang tích cực nghiên cứu để tích hợp kỹ thuật giải pháp chấm điểm tín dụng; 8 TCTD đã hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả an sinh xã hội; 3 TCTD thử nghiệm tài khoản an sinh xã hội.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong hoạt động ngân hàng, tiền tệ, ngoại hối tại địa phương, NHNN chi nhánh tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện đầy đủ, đúng tinh thần các nhiệm vụ, giải pháp tại văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, UBND tỉnh về công tác tín dụng và hoạt động ngân hàng.
Nhờ đó, 9 tháng năm 2024, hoạt động ngân hàng đạt được nhiều kết quả khả quan. Thanh khoản vốn được đảm bảo, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thiết yếu cho phát triển kinh tế địa phương; tín dụng tăng trưởng theo đúng định hướng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
Dư nợ cho vay đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro từng bước được kiểm soát, góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn (tỷ lệ nợ xấu mức dưới 2% tổng dư nợ).
Thị trường vàng, ngoại tệ ổn định, đáp ứng nhu cầu mua bán thiết thực của khách hàng. Hoạt động TTKDTM và công nghệ, dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh mẽ.
NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của NHNN, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện, lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức 3,8%/năm (tăng 2,08% so với cuối năm 2023) và lãi suất cho vay mới bình quân là 6,21%/năm (giảm 0,88% so cuối năm 2023).
Lãi suất huy động tăng trong khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm, phản ánh sự chia sẻ tích cực của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân. Các NHTM sẵn sàng thu hẹp chênh lệch đầu vào, đầu ra, giảm lợi nhuận năm nay để tiếp tục đồng hành cùng khách hàng.
Hoạt động huy động vốn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản phục vụ nhu cầu vốn thiết yếu cho nền kinh tế. 9 tháng năm 2024, huy động vốn toàn địa bàn tăng trưởng ở mức thấp. Hết tháng 9/2024, huy động vốn mới đạt 128.550 tỷ đồng, tăng 1,85% so với cuối năm 2023.
Do nguồn tiền gửi các tổ chức kinh tế giảm thấp (với mức giảm bình quân 9 tháng năm 2024 là 9,17%/tháng) đã kéo mức tăng trưởng chung của tổng nguồn vốn. Trong cơ cấu huy động, tiền gửi dân cư có sự tăng trưởng khá, tăng đều qua các tháng (mức tăng bình quân 2,38%/tháng).
Để bảo đảm thanh khoản, các NHTM đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp để tăng khả năng huy động vốn nhàn rỗi, đảm bảo cân đối nguồn để đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế như cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm tiết kiệm, gửi tiền đa dạng, linh hoạt; thực hiện các chương trình khuyến mãi tặng quà, rút thăm trúng thưởng; khách hàng có thể gửi tiền tùy theo nhu cầu và tính tiện dụng bằng nhiều kênh như gửi trực tiếp tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng, gửi tiền trực tuyến, gửi tiền tại máy ATM...
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 10-12% trong năm 2024, ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như các TCTD giảm lãi suất, công khai lãi suất trên trang điện tử từng ngân hàng; thực hiện tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng thêm đã được NHNN điều chỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng khách hàng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Hết tháng 9, tín dụng toàn địa bàn đạt 136.489 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cuối năm 2023. Chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo, cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển, dư nợ tín dụng cũng tập trung vào khu vực trọng yếu của nền kinh tế là cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, khu vực doanh nghiệp, góp phần tạo ra giá trị sản xuất cho nền kinh tế.
Nợ xấu toàn hệ thống luôn được kiểm soát tốt, ở mức an toàn, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối mỗi tháng đều được kiểm soát ở mức dưới 2% trên tổng dư nợ.
Các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng chính sách, tín dụng đối với các lĩnh vực đặc thù, các động lực trăng trưởng, đảm bảo sinh kế, tạo việc làm cho người dân được ngành Ngân hàng quan tâm triển khai thực hiện, góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh.
9 tháng năm 2024, ngành Ngân hàng đã tổ chức 8 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để đối thoại và trực tiếp trả lời những ý kiến, kiến nghị của khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của khách hàng.
Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai nhiều chương trình kết nối với doanh nghiệp, xây dựng nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi cho các khách hàng, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được ngành Ngân hàng quan tâm, bố trí vốn cho vay khách hàng hoạt động trên địa bàn nông thôn và sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, giúp người nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 30.123 tỷ đồng và dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 27.806 tỷ đồng.
Việc tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng của tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến hết tháng 9, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay gần 108 nghìn khách hàng với tổng dư nợ đạt 4.750 tỷ đồng.
Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc tích cực, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023 của NHNN cho khách hàng; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…
Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời áp dụng biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất từ 0,5-1%/năm cho các khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 với số tiền lãi được giảm đạt 80 triệu đồng.
Thực hiện Nghị định 52/2024 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của NHNN quy định về TTKDTM, hệ thống TCTD trên địa bàn tăng cường nghiên cứu, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Giao dịch TTKDTM phát triển mạnh mẽ, tăng 62,4% về số lượng và 32,56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023; giao dịch qua ATM giảm 14,21% về số lượng và giảm 9,27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức thanh toán điện tử.
Các NHTM cũng chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng dịch vụ cách xác thực sinh trắc học từ nguồn dữ liệu dân cư bằng nhiều hình thức (tiến tới 100% tài khoản cá nhân được đăng ký sinh trắc học từ ngày 1/1/2025) theo Quyết định 2345 của NHNN để khách hàng không bị gián đoạn khi sử dụng dịch vụ, đồng thời giúp khách hàng hiểu, nắm rõ cách thức bảo mật, an toàn khi thanh toán trên môi trường điện tử.
Việc thực hiện quy định về sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng trực tuyến đã giúp giảm hơn 70% số tài khoản lừa đảo, cho thấy quy định mới đã có tác động tích cực đáng kể.
Dự báo những tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế thế giới suy yếu do sản xuất thu hẹp tại các nền kinh tế lớn, lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn khó lường, xu hướng hạ lãi suất của một loạt ngân hàng trung ương… Nền kinh tế trong nước có sự phục hồi nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như áp lực lạm phát do tăng giá các dịch vụ thiết yếu, tỷ giá có xu hướng tăng, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro.
NHNN bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành CSTT kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Những tháng cuối năm 2024, Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn từ 12-14%; tín dụng từ 10-12%.
Để đạt được mục tiêu đó, toàn ngành cần bám sát vào chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, NHNN, UBND tỉnh về công tác tiền tệ, tín dụng.
Thứ nhất, triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, thực hiện tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu đã được NHNN điều tiết; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thứ hai, duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng.
Thứ ba, thực hiện tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay.
Thứ tư, thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi suất, tiếp tục cho vay mới, hạ lãi suất… đối với doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, nhất là khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi).
Thứ năm, tiếp tục thực hiện việc công bố mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên trang thông tin điện tử...
Trần Minh Chi
(Ngân hàng Nhà nước tỉnh)