Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở cơ sở, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, trang bị, nâng cao kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, dân phòng và khu dân cư.
Tổ liên gia an toàn PCCC thôn Cẩm Viên, xã Đại Tự (Yên Lạc) gồm 5 hộ gia đình. Cả 5 hộ có đặc điểm chung là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, có kiến trúc nhà xưởng khung thép, mái tôn, tường ngăn bằng gạch nung đỏ, buôn bán hàng hóa là các vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, phế liệu, tạp hóa… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Công an xã Đại Tự (Yên Lạc) hướng dẫn các thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC thôn Cẩm Viên sử dụng các thiết bị chữa cháy. Ảnh: Dương Chung
Tham gia mô hình, các hộ dân được hướng dẫn trang bị, sử dụng các công cụ thoát nạn, PCCC như bình bột, bình khí chữa cháy xách tay, kìm cộng lực, búa tạ, xà beng… và 1 bộ chuông báo cháy thông minh được liên kết giữa 5 hộ, khi một hộ bất kỳ bấm nút thì toàn bộ chuông của các gia đình cùng kêu để các hộ kịp thời hỗ trợ nhau chữa cháy. Đại diện mỗi hộ đã tham gia lớp huấn luyện và được cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH, có kỹ năng thoát nạn, chữa cháy ban đầu.
Ông Đỗ Văn Tài, đại diện hộ số 4 trong Tổ liên gia an toàn PCCC thôn Cẩm Viên cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh mặt hàng kim khí, có nhiều thiết bị điện, kết cấu nhà xưởng đều là các vật liệu dễ cháy nên việc phòng cháy, nâng cao kỹ năng chữa cháy ban đầu là rất cần thiết.
Tham gia mô hình, gia đình tôi tự trang bị một số thiết bị chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, bố trí lối thoát nạn và được trang bị chuông báo cháy liên kết giữa các hộ để giúp đỡ nhau trong trường hợp xảy ra cháy nổ. Chúng tôi cũng được tập huấn, tham gia thực hành phương án xử lý cháy, nổ, thoát nạn an toàn. Vì vậy, gia đình tôi và các hộ khác trong tổ đều cảm thấy rất yên tâm”.
Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC là một trong 13 mô hình điển hình của tỉnh trong công tác PCCC tại cơ sở. Năm 2023, Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước tiên phong xây dựng mô hình điểm Tổ liên gia an toàn PCCC.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 409 tổ liên gia an toàn PCCC và 588 điểm chữa cháy công cộng. Cùng với các mô hình này, lực lượng PCCC tại cơ sở thường xuyên được mở rộng, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động.
Ngoài 5 đội PCCC chuyên ngành, lực lượng công an đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động của 1.239 đội dân phòng tại 1.239 thôn, tổ dân phố với hơn 13.700 thành viên; gần 11.000 đội PCCC cơ sở với gần 98.000 đội viên.
Lực lượng PCCC tại cơ sở được tập huấn các phương pháp lập và thực tập phương án chữa cháy, CNCH; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy; quy trình cứu chữa một vụ cháy và CNCH; phương pháp tự kiểm tra an toàn về PCCC; cách sử dụng các loại phương tiện PCCC thông dụng, những phương tiện có thể tận dụng để chữa cháy trong các tình huống cấp bách…
Cùng với xây dựng lực lượng PCCC tại cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác PCCC, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC.
Công tác PCCC được tuyên truyền thường xuyên qua các kênh thông tin báo chí, mạng xã hội như Faceook, Zalo; tờ rơi, cẩm nang an toàn PCCC, băng rôn, khẩu hiệu; qua hoạt động thực tập các phương án; tuyên truyền lưu động bằng xe chữa cháy, xe công vụ; qua các cuộc họp của chi bộ, tổ dân phố, khu dân cư; đến từng hộ gia đình để tuyên truyền trực tiếp…
Cán bộ, công nhân viên và người lao động Công ty cổ phần Sự kiện Cường An, Phố Núi, phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) tập huấn và diễn tập phương án PCCC. Ảnh: Dương Chung
Trong 9 tháng năm 2024, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH tại 155 điểm trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn gần 38.600 người tham gia.
Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các kỹ năng cơ bản trong công tác CNCH và các kỹ năng sinh tồn, thoát nạn trong sự cố cháy, nổ; kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu; phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện PCCC và CNCH thông dụng như bình bột, bình khí chữa cháy…
Bên cạnh đó, người dân được lực lượng chức năng hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và làm việc, những điều then chốt cần đặc biệt lưu tâm để đảm bảo an toàn PCCC, tính mạng và tài sản của gia đình, người thân và mọi người.
Hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114”; các hộ gia đình có chuồng cọp, chưa có lối thoát nạn thứ 2 được vận động mở chuồng cọp, tạo lối thoát nạn thứ 2, tự trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay để xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, các ngành chức năng, các địa phương đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỹ năng của người dân và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCCC và CNCH.
9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 102 vụ cháy, giảm 23 vụ so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, có 15 vụ cháy được lực lượng PCCC tại chỗ và người dân tự dập tắt.
Thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn PCCC; huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu đối với công tác PCCC và CNCH là ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan.
Thùy Linh