Là bước đầu tiên, quan trọng và không thể thiếu của quá trình chuyển đổi số, số hóa đã và đang mang lại nhiều tiện ích trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của mỗi tổ chức, cá nhân, mang lại những thành công trong tiến trình chuyển đổi số.
Số hóa là quá trình chuyển đổi các thông tin, tài liệu từ dạng vật lý sang dạng kỹ thuật số, góp phần đơn giản hóa và nâng cao hiệu quả xử lý, lưu trữ, truy cập và truyền tải thông qua hệ thống mạng máy tính và internet.
Cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Vĩnh Phúc hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ, tiện ích tích hợp thông qua quét mã QR trên thiết bị di động thông minh. Ảnh: Thế Hùng
Số hóa đã và đang trở thành một yếu tố không thể tách rời trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cho đến công việc, học tập, giải trí, nghiên cứu khoa học... và ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đã triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ và các quy trình xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho các tổ chức, cá nhân.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã tích hợp xong kho dữ liệu tổ chức, cá nhân trong Cổng Dịch vụ công tỉnh và kết nối đồng bộ với kho dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng nhập bằng tài khoản dịch vụ công hoặc tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2.
Hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, 100% văn bản đi và đến được luân chuyển trên phần mềm, trong đó, tỷ lệ ký số trên phần mềm đạt hơn 99%.
Tại nhiều hội nghị, hội thảo khoa học được tổ chức trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường ứng dụng tạo mã QR để cung cấp thông tin, tài liệu một cách thuận tiện, đầy đủ và nhanh chóng cho đại biểu tham dự.
Qua đó từng bước thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi cho cán bộ, công chức, người dân trong tiếp cận công nghệ mới, bắt nhịp với xu thế chung của cuộc cách mạng 4.0 và giảm được lượng lớn giấy in tài liệu, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí tổ chức và thời gian in ấn, phát tài liệu.
Đến nay, 100% doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ khai thuế qua mạng internet, nộp thuế điện tử. Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiếp tục triển khai mở rộng ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di dộng (eTax Mobile) nhằm phát triển các kênh hỗ trợ người nộp thuế tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đáng nói, ngành Thuế tỉnh đã và đang đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân nhằm đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch, đồng bộ dữ liệu về thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tiến tới chuyển sang sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục triển khai rộng rãi các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, quan tâm phát triển, nâng cấp các dịch vụ tích hợp thông qua các phần mềm trên điện thoại di động, qua phương thức QR code...
Trong lĩnh vực giáo dục, 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh sẵn sàng triển khai nền tảng dạy học trực tuyến trong tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh. 100% cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số (http://vinhphuc.violet.vn; http://igiaoduc.vn; https://itrithuc.vn...); sử dụng nền tảng số để thông tin, liên lạc với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh (bao gồm cả ứng dụng mạng xã hội).
Ngành Y tế thường xuyên tạo lập và cập nhật dữ liệu trên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đã có hơn 96% tổng dân số trên địa bàn tỉnh được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân. 100% cơ sở y tế đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, một số cơ sở y tế đã triển khai thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng VNeID thay cho việc khai báo thẻ bảo hiểm y tế.
Hiện nay, có 4 cơ sở y tế trong tỉnh công bố thành công bệnh án điện tử, triển khai hệ thống ki ốt y tế thông minh, cung cấp thông tin phục vụ công tác tra cứu thông tin khám bệnh, chữa bệnh, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Bệnh viện Sản - Nhi và Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt.
Các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện việc bổ sung, kê khai số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân vào tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để phục vụ quá trình đồng bộ dữ liệu, thông tin do ngành Bảo hiểm xã hội quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo 100% người tham gia kê khai số định danh cá nhân/căn cước công dân và cập nhật trong cơ sở dữ liệu được Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.
Với việc khai thác và tăng cường ứng dụng những ưu thế của số hóa vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang đồng sức, đồng lòng, nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của địa phương.
Qua đó cho thấy sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm cũng như hành động của các tổ chức, cá nhân về chuyển đổi số; từng bước cụ thể hóa những thời cơ, vận hội mà chuyển đổi số mang lại cho cộng đồng và xã hội.
Việt Sơn