Nhờ phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, huyện Yên Lạc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng chính quyền số, công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) Phạm Văn Hạnh thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số. Ảnh: Dương Hà
Không chỉ thường xuyên cập nhật, xử lý công việc trên môi trường số, đồng chí Phạm Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Nguyệt Đức còn trực tiếp chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt về quan điểm, chủ trương và lợi ích thiết thực của chuyển đổi số tới cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp.
Nhờ đó, 100% cán bộ, công chức của xã sử dụng email công vụ; tất cả các văn bản đi, văn bản đến (trừ văn bản mật) được xử lý trên môi trường mạng. 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử; tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính thực hiện số hóa chiếm hơn 80%.
Trên địa bàn xã có trên 90% cửa hàng kinh doanh áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; hơn 94% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh. Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt hơn 89%. Đến nay, xã có 8/11 thôn đạt chuẩn thôn thông minh.
Đồng chí Phạm Văn Hạnh cho biết: "Chuyển đổi số là lĩnh vực mới, nếu người đứng đầu không trực tiếp chỉ đạo, tự mình chuyển đổi thì nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương sẽ khó thực hiện thành công.
Vì vậy, ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh, của huyện, tôi tích cực học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số; gương mẫu, tiên phong sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xử lý công việc. Đồng thời quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương".
Xác định rõ vai trò của người đứng đầu trong thực hiện chuyển đổi số, huyện Yên Lạc đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, thành viên đều là lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn.
Huyện đã ban hành chương trình hành động, xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số của huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số cho thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị và Chủ tịch UBND xã, thị trấn, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị, căn cứ để đánh giá thi đua hằng năm. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cán bộ, công chức xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc. Ảnh: Dương Hà
Đến nay, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Yên Lạc đều ý thức được vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.
Nhiều đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động tìm tòi, học hỏi những kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số; gương mẫu, tiên phong sử dụng CNTT trong giải quyết công việc; quyết liệt chỉ đạo ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động của đơn vị.
Nắm bắt, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng số và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Nhờ sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của người đứng đầu, nhiều năm liền huyện nằm trong tốp đầu của tỉnh về chỉ số chuyển đổi số. Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đảm bảo các điều kiện thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng dùng chung.
100% phòng, ban, đơn vị của huyện đã ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, xử lý công việc, có mạng internet và hệ thống mạng nội bộ, sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử. 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, sử dụng thành thạo tin học và thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc.
Các văn bản, tài liệu cơ bản được thực hiện trên môi trường mạng, đảm bảo thông tin được trao đổi kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi. Nhiều cuộc họp giữa UBND huyện và các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị được triển khai theo hình thức trực tuyến, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian. Việc thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn...
Huyện Yên Lạc tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và xử lý nhanh, hiệu quả các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thanh Huyền