Theo chuyên gia, các doanh nghiệp không chỉ ứng dụng AI giải quyết các công việc mang tính tự động hóa, mà cần phát huy tiềm năng thúc đẩy giới hạn sáng tạo cho nhân tài của công cụ này. Sự hợp tác giữa AI và con người không chỉ là xu hướng, mà sẽ là yếu tố sống còn, định hình tương lai của doanh nghiệp.
Quang cảnh hội thảo The Makeover 2024 do Talentnet tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 15-16/10.
Trong khuôn khổ hội thảo The Makeover 2024 do Talentnet tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 15-16/10, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra số liệu và nhận định giúp doanh nghiệp có thêm gợi ý chủ động theo đuổi phát triển bền vững thông qua việc đặt nền móng cho chuyển đổi hiệu quả và phát huy vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI).
Biến AI thành lực đẩy cho doanh nghiệp
Trong bài trình bày của mình, ông Mitchell Phạm - chuyên gia tư vấn cho chính phủ các quốc gia APEC về nền kinh tế số, học giả của Asia 21 và thành viên hội đồng toàn cầu của Asia Society đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với AI trong mọi khía cạnh của tổ chức, từ con người, quy trình đến quản trị, và khuyến khích các doanh nghiệp khai thác tiềm năng này để nâng cao năng suất và sự đổi mới.
Từ việc ứng dụng các mô hình AI cơ bản đến các hệ thống học sâu (deep learning) và dữ liệu lớn (Big Data), AI tăng trưởng công nghệ theo cấp số nhân, đang dần trở thành xu hướng chủ đạo và thúc đẩy đổi mới.
Mặc dù nhiều dự đoán cho rằng AI sẽ thay thế công việc, nhưng thực tế cho thấy AI có thể tự động hóa các tác vụ song lại làm thay đổi bản chất công việc, từ đó giúp lực lượng lao động tập trung vào các nhiệm vụ có giá trị cao hơn.
Ông Mitchell Phạm chia sẻ tại hội thảo.
Đơn cử, trong ngành kế toán, AI giúp tự động hóa nhập liệu, đối chiếu ngân hàng, và xử lý hóa đơn, mang lại tính chính xác cao, tiết kiệm chi phí và cung cấp các thông tin phân tích theo thời gian thực.
Ông Mitchell Phạm cho biết, công nghệ có rất nhiều loại hình đa dạng khác nhau, vì thế chuyển đổi trong tổ chức không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn đòi hỏi thay đổi về con người, quy trình và quản trị.
“Về con người, các kỹ năng mềm như tư duy phản biện và kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng trong kỷ nguyên AI. Về quản trị, AI cần được áp dụng một cách an toàn, có đạo đức, bao hàm và tuân thủ các quy định pháp lý”, ông nêu rõ.
Bên cạnh đó, AI được coi là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy công nghệ xanh và giải quyết các vấn đề môi trường phức tạp mà các giải pháp truyền thống không thể xử lý. Với những ưu thế lớn mạnh đó, ông Mitchell Phạm nhận định: “Với công nghệ, bạn không cần dự báo tương lai, mà sẽ tạo ra tương lai”.
Quá trình chuyển đổi và áp dụng AI đang tạo ra tương lai mới cho trải nghiệm khách hàng, tối ưu quy trình nội bộ và bảo đảm yêu cầu tuân thủ. Doanh nghiệp cần không ngừng khám phá, thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới để duy trì khả năng cạnh tranh.
Kỹ năng đầu tiên cần có trong kỷ nguyên AI là Sáng tạo
Chia sẻ tại hội thảo, ông James Taylor, chuyên gia tư vấn cho các CEO và doanh nhân từ Thung lũng Silicon đến Dubai, thành viên của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia (F.R.S.A.) nhấn mạnh vai trò của sáng tạo cùng công thức ‘Siêu hợp tác’ (supercollaboration) giữa con người và AI nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
“Kỹ năng đầu tiên cần có trong kỷ nguyên AI là Sáng tạo – khả năng tạo tác, phát triển và thực hiện ý tưởng mới để thúc đẩy đổi mới và tối ưu hóa công nghệ”, ông James Taylor nhận định khi nhắc đến kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất trong bối cảnh AI lên ngôi hiện nay.
Ông James Taylor nhấn mạnh vai trò của sáng tạo cùng công thức ‘Siêu hợp tác’ giữa con người và AI.
Ông gợi ý, những ý tưởng hữu ích và thiết thực, là tiền đề cho những đổi mới đột phát thường xuất phát từ sự kết hợp của những bộ óc sáng tạo và có tư duy phản biện.
Nhưng vì sự hợp tác giữa người với người để tăng tính sáng tạo đã là gợi ý muôn thuở, ông James Taylor đem đến một khái niệm mới - Siêu hợp tác. “Siêu hợp tác là khả năng mà mỗi nhân viên ngày nay có thể tận dụng để tăng cường sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của mình thông qua việc tận dụng các công nghệ phát triển vượt bậc như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và robot”.
Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, với sự giúp đỡ từ công cụ AI như ChatGPT, tư vấn viên của Boston Consulting Group đã làm việc nhanh hơn 25%, chất lượng công việc cải thiện 40% so với đồng nghiệp không sử dụng AI.
“Thậm chí khi đã là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn vẫn có thể tận dụng AI để thúc đẩy những giới hạn mới của sự sáng tạo”, ông cho biết, lấy dẫn chứng về trận đấu giữa Lee Sedol, một trong những người chơi cờ vây giỏi nhất thế giới, và AlphaGo, hệ thống trí tuệ nhân tạo được thiết kế bởi Google DeepMind.
Theo đó, sau 3 ván liên tục thất thủ trước AI, ở nước đi 78 của ván 4, Lee Sedol thực hiện một nước đi xoay chuyển tình thế, gây sửng sốt giới cờ vây và nâng tầm trò chơi lên một cấp độ mới. Cho đến hiện nay, những người chơi thường xuyên đấu trí với AI đã liên tục gia tăng vị trí của họ trên bảng xếp hạng thế giới.
Ông James Taylor khuyến khích các doanh nghiệp không chỉ ứng dụng AI giải quyết các công việc mang tính tự động hóa, mà cần phát huy tiềm năng thúc đẩy giới hạn sáng tạo cho nhân tài của công cụ này. Sự hợp tác giữa AI và con người không chỉ là xu hướng mà sẽ là yếu tố sống còn, định hình tương lai của doanh nghiệp.
Văn Cường (Theo nhandan.vn)