Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, trao "cần câu" giúp hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Tường đã xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ, nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc, triển khai hiệu quả các chương trình cho vay tín dụng chính sách, lan tỏa phong trào giúp nhau phát triển kinh tế tại các địa phương, góp phần thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Một buổi giám sát hoạt động vay vốn chính sách trên địa bàn xã Nghĩa Hưng (Vĩnh Tường).
Sau những nỗ lực triển khai công tác giảm nghèo, đến cuối tháng 9/2024, xã Vân Xuân (Vĩnh Tường) chỉ còn 2 hộ nghèo và cả 2 hộ đều không còn khả năng lao động.
Đó là kết quả rất ấn tượng, bởi đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, số hộ nghèo của xã Vân Xuân còn 25 hộ, đa phần là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để có được kết quả đó, chính quyền xã Vân Xuân và NHCSXH huyện Vĩnh Tường đã quyết liệt triển khai các giải pháp ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Trên cơ sở rà soát, điều tra, nắm bắt các thông tin về từng hộ nghèo, chính quyền xã đã có sự định hướng kịp thời, làm tốt công tác tư tưởng, tiếp sức về tinh thần giúp các hộ củng cố nghị lực, từ đó quyết tâm thoát nghèo.
Phía ngân hàng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tư vấn chương trình vay phù hợp với từng hộ, đảm bảo an toàn vốn và kịp thời trao “cần câu” cho các hộ có nhu cầu.
Đồng chí Vương Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Xuân cho biết: Với lãi suất ổn định, thời gian vay dài, nguồn vốn chính sách là động lực quan trọng, là điểm tựa giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn vượt lên nghịch cảnh, phát triển kinh tế gia đình.
Để dẫn vốn đến với người nghèo hiệu quả, xã Vân Xuân đã huy động các hội, đoàn thể tích cực vào cuộc, triển khai đầy đủ các chương trình cho vay.
Với phương châm “Không để ai ở lại phía sau”, thông tin về các hộ nghèo trong xã được cập nhật thường xuyên, giúp chính quyền sớm có giải pháp phù hợp, gắn nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo với việc đánh giá thành tích thi đua của các hội, đoàn thể, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.
Tiêu biểu phải kể đến hộ gia đình anh Đỗ Văn Tùng ở thôn Xuân Phúc 1. Từng là hộ cận nghèo, nhờ nguồn vốn chính sách, gia đình anh Tùng đã vươn lên, khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực kinh doanh phụ kiện điện thoại, trở thành hộ gia đình có kinh tế phát triển.
Thấu hiểu ý nghĩa nhân văn của dòng vốn chính sách, nhiều hộ gia đình tại xã Vân Xuân đã tích cực gửi nguồn tiền nhàn rỗi tại NHCSXH huyện, tái tạo nguồn vốn chính sách phục vụ cho vay giảm nghèo.
Nhiều năm gần đây, xã Vân Xuân liên tục là điểm sáng của huyện Vĩnh Tường trong huy động tiền gửi phục vụ mục tiêu an sinh xã hội.
Ông Đào Đức Luận, Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Tường cho biết: Khơi thông dòng vốn chính sách trên địa bàn 28 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường, NHCSXH huyện đã xây dựng và đưa 349 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) đi vào hoạt động hiệu quả.
Chủ động xây dựng kế hoạch tăng trưởng về nguồn vốn, dư nợ ngay từ đầu năm, giao khoán chỉ tiêu cho từng tổ chức, cá nhân để nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ NHCSXH huyện Vĩnh Tường đạt hơn 624 tỷ đồng, doanh số cho vay 9 tháng đạt 110 tỷ đồng cho 13.000 hộ vay. Huy động vốn đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng so với đầu năm.
Về cơ bản, đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu về huy động vốn, đạt 98% kế hoạch tăng trưởng dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm và chương trình cho vay Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đều tăng hơn 20 tỷ đồng so với đầu năm; chương trình tín dụng cho người mãn hạn tù đạt dư nợ hơn 3 tỷ đồng, dẫn đầu toàn tỉnh.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của NHCSXH tỉnh, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện Vĩnh Tường, các chương trình tín dụng chính sách được triển khai đồng loạt, hiệu quả, phát huy hiệu quả rõ nét.
Đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Tường, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 3% thì nay giảm còn 0,41%, vượt mục tiêu đề ra.
Hiện nay, NHCSXH huyện Vĩnh Tường đang tích cực triển khai các chương trình cho vay theo chỉ đạo của NHCSXH tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo an toàn vốn vay và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể, tinh gọn bộ máy, xây dựng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn vững mạnh, từ đó có thêm nhiều "cánh tay nối dài" đưa tín dụng chính sách vào cuộc sống, nâng cao chất lượng các chương trình cho vay vì mục tiêu thực hiện an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Chu Kiều