Kỳ 2: Xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo hướng bền vững
“Đạt được các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao đã rất khó, song để giữ được chất lượng các tiêu chí, chất lượng các công trình lại càng khó hơn. Để đảm bảo tính bền vững, huyện Yên Lạc triển khai đồng bộ các giải pháp, phát huy nội lực, huy động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào quá trình thực hiện” - Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Yên Lạc.
Tạo giá trị mới cho nông nghiệp, nông thôn, củng cố nguồn lực
Đến nay, Yên Lạc chưa có khu công nghiệp đi vào hoạt động, hoạt động tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ còn hạn chế, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và các làng nghề truyền thống.
Để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, củng cố nguồn lực phục vụ quá trình xây dựng NTM nâng cao, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Yên Lạc đã tìm ra những giải pháp thiết thực, tạo ra các trụ đỡ kinh tế mới cho vùng nông thôn. Lấy kinh tế dẫn dắt các phong trào thi đua, lan tỏa từ thôn, xóm đến cấp xã, huyện.
Phát huy lợi thế là huyện có số lượng làng nghề truyền thống nhiều nhất tỉnh, Yên Lạc đã nhanh chóng quy hoạch phát triển các làng nghề, khuyến khích các hộ sản xuất đổi mới tư duy, áp dụng công nghệ vào sản xuất, tạo sự đột phá.
Đến nay, huyện Yên Lạc đã thành lập được 6 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích hơn 110 ha, trong đó, 5 CCN đã đi vào hoạt động (có 3/5 CCN đã được lấp đầy 100% gồm CCN làng nghề Tề Lỗ, CCN làng nghề Yên Đồng, CCN thị trấn Yên Lạc), thu hút 624 doanh nghiệp thứ cấp và hộ gia đình vào sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.000 lao động địa phương với thu nhập ổn định 6,5 - 8,5 triệu đồng/người/ tháng.
Về xã NTM nâng cao Yên Phương, chúng tôi có dịp ghé thăm xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình ông Đỗ Văn Tươi. Trước mắt chúng tôi là những sản phẩm đồ gỗ tinh xảo, phù hợp với không gian thờ cúng hiện đại, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Ông Tươi cho biết: Làng nghề mộc Lũng Hạ, xã Yên Phương có từ lâu đời, nổi tiếng với các sản phẩm truyền thống như sập gụ, tủ chè... Theo thời gian, cùng với sự thay đổi về kiến trúc xây dựng, thị hiếu về đồ nội thất phục vụ không gian thờ cúng của người dân cũng thay đổi không ngừng.
Được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, đưa thợ giỏi tham gia các cuộc thi nghề, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, từ đó, các hộ sản xuất nơi đây đã linh hoạt thay đổi mẫu mã sản phẩm, đầu tư máy móc, đón đầu thị hiếu, chuyển sang sản xuất sản phẩm án gian, cuốn thư… từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Nhờ làng nghề mộc phát triển, nhiều lao động trong xã có việc làm ổn định, nhất là thu nhập từ làng nghề đã đem lại cuộc sống sung túc cho người dân.
Kinh tế khởi sắc, nhu cầu đất ở, mở rộng sản xuất tăng, tạo thuận lợi cho công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đạt hiệu quả cao, đem lại nguồn lực đáng kể để đầu tư hạ tầng, phục vụ cho các mục tiêu xây dựng NTM nâng cao.
Không chỉ đổi mới ở các làng nghề, với xuất phát điểm từ một huyện nông nghiệp, phát huy thế mạnh của người dân huyện Yên Lạc về kinh nghiệm canh tác, nhiều nông dân đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, học hỏi những mô hình sản xuất theo hướng sản xuất xanh, tuần hoàn, hữu cơ, đem lại giá trị gia tăng cao.
Mô hình trồng dưa trong nhà kính của anh Tạ Văn Hiệp, xã Văn Tiến (Yên Lạc) đã tạo hiệu ứng cho bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lượng
Sau hơn 5 năm vật lộn với những mảnh ruộng trũng tại xã Trung Kiên quanh năm ngập nước, không thể canh tác bất cứ loại cây gì, chàng kỹ sư trẻ Trần Duy Hưng đã xây dựng nơi đây thành một trong những trang trại nuôi ốc nhồi quy mô lớn ở khu vực phía Bắc.
Với diện tích sản xuất khoảng 4 ha, xây dựng bài bản theo hướng tuần hoàn, được ví như các trang trại miệt vườn của các tỉnh phía Tây Nam bộ, mô hình ốc nhồi đã cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Khi thành công, anh Hưng không giữ bí mật nghề, mà đem kinh nghiệm sản xuất, con giống hỗ trợ nông dân trong vùng, từ đó mở ra cơ hội phát triển cho nhiều nông dân trong huyện.
Các mô hình kinh tế của huyện cho hiệu quả cao như vùng trồng phật thủ, nuôi cá thâm canh tại xã Liên Châu; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại xã Văn Tiến; nuôi ốc nhồi của “Hưng ốc” tại xã Trung Kiên; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở xã Yên Phương; sản xuất hàng hóa tập trung tại vùng đất bãi ven sông Hồng…
Có thể thấy rằng, với sự đổi mới toàn diện về tư duy sản xuất, kinh tế của người dân huyện Yên Lạc không ngừng được nâng lên, tạo sự tăng trưởng đồng đều từ nông thôn đến phố thị, từ đó tạo khí thế thi đua lao động sản xuất ở tất cả các ngành, lĩnh vực, đem lại nguồn lực to lớn phục vụ quá trình xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn huyện Yên Lạc.
“Cán đích” trước 6 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện
Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện được đổi mới, ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Tổng chiều dài đường xã, thôn, ngõ xóm được trồng cây bóng mát, cây xanh, hoa hoặc được phủ xanh với hình thức phù hợp tại 15 xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao trên địa bàn huyện là 372/412km, trong đó tại 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 246km/260km, đạt 94,7%.
Huyện đã huy động nhân dân chỉnh trang tường rào, vườn, trồng hoa, cây xanh bên lề đường làng, ngõ xóm; trồng hoa, cây chuỗi ngọc hơn 110 km tuyến đường trục thôn, ngõ xóm. Đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí, đặt tên đường, đánh số nhà, góp phần tô điểm diện mạo nông thôn văn minh, hiện đại.
Trên địa bàn huyện có 54/54 trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS công lập có cơ sở vật chất đạt trường chuẩn Quốc gia, chiếm 100%.
Theo kết quả điều tra xã hội học về nhu cầu sử dụng nước sạch tập trung khi triển khai dự án Nhà máy nước sạch Sông Hồng đối với các hộ dân trên địa bàn 10 xã, thị trấn, có 14.065/18.418 hộ, đạt 76,4% đăng ký sẵn sàng đấu nối sử dụng nước sạch khi Nhà máy nước sạch Sông Hồng hoàn thành, khi đó sẽ góp phần đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện tăng từ 7.753/35.088 hộ, chiếm 22,1% lên 22.320/33.818 hộ, chiếm 66%.
Sau 4 năm thực hiện xây dựng huyện NTM nâng cao, Yên Lạc đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân và Chương trình xây dựng NTM theo phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Với phương pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn vốn xây dựng NTM đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong xây dựng thôn đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, người dân thực sự vào cuộc và là chủ thể của chương trình.
Mai Liên
Kỳ 1: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/117881/Nong-thon-moi-Yen-Lac-huong-toi-hanh-phuc-cua-nguoi-dan