Trong vòng 10 ngày, Israel được cho là đã tiến hành một chiến dịch quân sự chưa từng có và đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho lực lượng Hezbollah ở Li Băng, đồng thời cũng ẩn chứa nhiều hệ lụy bất ổn cho khu vực.
Hôm qua (29/9), CNN đưa tin Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố vừa giết chết thêm 1 chỉ huy của Hezbollah là ông Nabil Qaouk, người đứng đầu một đơn vị an ninh đồng thời là thành viên hội đồng trung ương của lực lượng này. Bên cạnh đó, IDF cũng tiếp tục tập kích vào "các tòa nhà cất giữ vũ khí và các công trình quân sự" của Hezbollah ở Li Băng.
Một pano ở Li Băng với hình ảnh từ trái qua là lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh, lãnh đạo tối cao Hassan Nasrallah và phó tướng Fuad Shukr của Hezbollah.
Trong khi đó, CNN dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết nước này nhận thấy Israel đang chuẩn bị để có thể sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Li Băng. Việc Israel oanh kích nhiều khu vực ở Li Băng có thể nhằm mở đường cho bộ binh tiến vào. Ngày 28.9, phát ngôn viên của IDF cho biết quân đội Israel đang chuẩn bị cho khả năng tấn công trên bộ, nhưng đó chỉ là một lựa chọn đang được xem xét.
Chiến dịch "không tưởng"
Tính từ dấu mốc ngày 17/9, Israel được cho là đã tiến hành một chiến dịch quân sự chưa từng có trong lịch sử, chứ không chỉ riêng gì ở khu vực Trung Đông. Bắt đầu vào ngày 17/9, hàng trăm máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah bắt đầu phát nổ. Sau đợt đầu tiên, các đợt tiếp theo không chỉ có máy nhắn tin mà nhiều bộ đàm cùng các thiết bị điện tử khác của Hezbollah cũng bất ngờ phát nổ. Trong đó, máy nhắn tin tuy bị cho là lỗi thời nhưng lại trở thành phương tiện truyền tin có tính bảo mật cao đối với Hezbollah.
Tổng cộng, hàng ngàn thiết bị đã nổ, gây bị thương cho hàng ngàn người và vài chục người thiệt mạng. Dù Israel chưa bao giờ từng thừa nhận đã tiến hành chiến dịch này, nhưng hầu hết giới quân sự đều chỉ dấu về Tel Aviv. Chưa bao giờ lịch sử thế giới ghi nhận một chiến dịch kích hoạt đồng loạt nhiều thiết bị điện tử để phát nổ như vậy. Tuy số thương vong chưa quá lớn, nhưng đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Hezbollah, đồng thời cho thấy nhiều khả năng Tel Aviv đã thâm nhập sâu vào lực lượng này.
Tiếp đó, Tel Aviv tiến hành hàng loạt cuộc tập kích nhằm vào lực lượng Hezbollah, phá hủy nhiều hạ tầng của lực lượng này trên khắp Li Băng. Kết nối các hành động vừa nêu, có thể thấy Israel đã hạn chế khả năng liên lạc rồi phá hủy hạ tầng nhằm khiến Hezbollah phải co cụm rồi dần "khoanh vùng" lãnh đạo của Hezbollah.
Khoảng 10 ngày sau đợt nổ máy nhắn tin đầu tiên, Israel đã bất ngờ tấn công bằng hàng tấn bom chuyên phá boong ke nhằm vào một tòa nhà ở thủ đô Beirut của Li Băng. Bên dưới tòa nhà này được cho là trung tâm chỉ huy đầu não của Hezbollah và vụ tấn công đã giết chết ông Hassan Nasrallah - người lãnh đạo Hezbollah suốt 32 năm qua. Vụ tấn công cho thấy Israel có thể đã xâm nhập sâu vào nội bộ Hezbollah. Bởi vì, ông Nasrallah đã rất cẩn thận trong hoạt động, thiết lập nhiều vòng bảo vệ và hạn chế người nhìn thấy kể từ sau cuộc chiến tranh tổng lực giữa Hezbollah và Tel Aviv vào năm 2006.
Kết hợp cùng chiến dịch mới nhất, chỉ từ đầu năm đến nay, Israel đã giết chết 8 trong 9 chỉ huy cao nhất của Hezbollah.
Tương lai của Hezbollah
Cũng vào hôm qua, phân tích khi trả lời Thanh Niên, chuyên gia tình báo quốc phòng Mỹ Carl O.Schuster nhận định: "Mặc dù thủ lĩnh Hassan Nasrallah đối đầu quyết liệt với Israel nhưng cũng đầy thực dụng khi hạn chế hành động của Hezbollah ở mức mà ông tính toán sẽ không dẫn đến sự lặp lại cuộc chiến tổng lực 2006 gây tàn phá lớn cho Li Băng. Vì vậy, thời gian qua, ông Nasrallah tiến hành các hoạt động cân bằng mục tiêu chính trị và quân sự, hành động tối thiểu cần thiết để xoa dịu những người theo đường lối cứng rắn trong Hezbollah và Iran. Dường như, ông có quan điểm rằng so với một cuộc chiến tranh toàn diện, thì chiến tranh hạn chế, bằng cách pháo kích, sẽ tốt hơn cho Li Băng và Hezbollah. Nhưng người kế nhiệm ông có thể không chia sẻ quan điểm đó".
Đánh giá thêm, chuyên gia Schuster cho hay: "Hezbollah là một lực lượng có xu thế "ăn miếng trả miếng" nhưng thời gian qua bị hạn chế về quy mô xung đột. Sự ra đi của ông Nasrallah có nghĩa là những hạn chế đã không còn. Dù trước mắt Hezbollah khó có thể tiến hành cuộc tấn công trên bộ, nhưng những người theo đường lối cứng rắn trong Hezbollah và các cố vấn người Iran có thể hướng đến một cuộc tấn công quy mô lớn. Quyết định sẽ được đưa ra bởi ban lãnh đạo mới của Hezbollah, những người có thể bị ảnh hưởng bởi Tehran nhiều hơn Nasrallah. Vốn dĩ, ông Nasrallah xem bản thân là người Li Băng tiên phong và đã mở ra một phần quan trọng cho phong trào thánh chiến toàn cầu".
"Đến giờ, chưa rõ ai sẽ thay thế ông Nasrallah. Nhưng Israel đã loại bỏ hầu hết các lãnh đạo quân sự cấp cao của Hezbollah và một phần đáng kể các lãnh đạo quân sự cấp trung và các nhóm nhỏ. Tuy nhiên, Hezbollah có một hệ thống giáo dục và đào tạo chuyên sâu và toàn diện. Lớp chỉ huy còn lại của lực lượng này đều có kinh nghiệm chiến đấu ở Syria. Vì vậy, Hezbollah vẫn còn đủ lực lượng để tiếp tục cuộc chiến cho đến khi lãnh đạo mới bắt đầu với những hành động mới, thậm chí có thể tấn công trên bộ nhằm vào Israel", vị chuyên gia tình báo quân sự nhận định.
Theo ông, ngắn hạn trong 2 tuần tới, Hezbollah sẽ tiếp tục pháo kích nhằm vào Israel. Trong khi đó, lực lượng Houthi ở Yemen cũng đồng thời phát động các cuộc tấn công như từng tiến hành suốt thời gian qua.
Q.N (Theo Báo Thanh niên)