Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới năm 2024 truyền tải thông điệp “Giới trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước”, Chi cục Dân số tỉnh tăng cường hoạt động truyền thông, vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Qua đó, nâng cao nhận thức cho giới trẻ, các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Cán bộ Trạm Y tế phường Định Trung (Vĩnh Yên) tuyên truyền, tư vấn cho người dân các biện pháp tránh thai an toàn. Ảnh: Dương Chung
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới về tình trạng nạo phá thai (từ 250 - 300 nghìn ca mỗi năm). Tình trạng quan hệ tình dục sớm, thiếu kiến thức về quan hệ tình dục an toàn ở độ tuổi vị thành niên thường dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn, phá thai và nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đáng báo động hơn khi tỷ lệ vô sinh thứ phát do nạo phá thai chiếm đến 20% trường hợp vô sinh.
Nhằm nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và hạn chế tình trạng nạo phá thai đang ngày càng gia tăng ở giới trẻ, Chi cục Dân số tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ SKSS/kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ); củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ…
6 tháng đầu năm 2024, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã tổ chức 40 hội nghị truyền thông, vận động trực tiếp cho gần 3.000 phụ nữ từ 15 - 49 tuổi về chăm sóc SKSS, thực hiện các biện pháp tránh thai, KHHGĐ; tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền, tư vấn về hệ lụy của phá thai, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh; giáo dục tình dục toàn diện cho 900 phụ nữ từ 15 - 49 tuổi và các đối tượng liên quan.
Tổ chức 2 hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động đến đối tượng tiếp cận dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho 290 cán bộ cơ sở; thực hiện gói dịch vụ miễn phí đặt dụng cụ tử cung cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vùng nông thôn, miền núi và tuyên truyền, vận động để các nhóm đối tượng khác tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và tự chi trả chi phí theo giá viện phí của các cơ sở y tế.
Đồng thời tổ chức tiếp nhận và cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai an toàn, đa dạng, thuận tiện, đúng tiêu chuẩn, quy định… 6 tháng đầu năm, có hơn 59.500 người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đạt hơn 89% kế hoạch năm 2024. Hiện, toàn tỉnh có hơn 71% phụ nữ từ 15 - 49 tuổi áp dụng các biện pháp tránh thai.
Bà Kim Thị Hồng Lụa, Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Dân số tỉnh cho biết: Lứa tuổi vị thành niên có rất nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý. Ở giai đoạn này, các em rất thích khám phá bản thân, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới. Nếu không được tuyên truyền đúng cách, các em có thể quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục, dẫn đến có thể mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn...
Bên cạnh các hình thức truyền thông tại các địa phương, Chi cục Dân số tỉnh đã tăng cường phối hợp với các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố và các trường cao đẳng tổ chức các hội nghị truyền thông để cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ liên quan đến tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn; các biện pháp tránh thai, phòng chống bệnh lây qua đường tình dục; lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn; giới thiệu, hướng dẫn một số lưu ý khi sử dụng các biện pháp tránh thai…
Đây là các hoạt động rất thiết thực giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân; phát hiện, dự phòng các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh…
Thời gian tới, Chi cục Dân số tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh truyền thông về Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030 và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Trong đó, chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai; xã hội hóa các phương tiện tránh thai; chăm sóc SKSS; các biện pháp tránh thai an toàn.
Đồng thời tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; truyền thông giáo dục giới tính cho học sinh THCS và THPT; kết hợp với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho trẻ vị thành niên, thanh niên… góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số.
Minh Nguyệt