Thời gian qua, với việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển, thành phố Đà Nẵng là nơi hợp lưu của những dòng chảy công nghệ, tinh thần lập thân, lập nghiệp trên dọc dài miền trung và Tây Nguyên. Song, nhiều dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vẫn chưa duy trì được đà phát triển, đòi hỏi cần thêm trợ lực từ thành phố.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ có mặt tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng năm 2024.
Theo Báo cáo "Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024" của StartupBlink, Đà Nẵng lần đầu tiên lọt vào tốp 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu với vị trí thứ 896.
Nền tảng cho khởi nghiệp
Giống như Thung lũng Silicon, thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là cái nôi của các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mà còn như một yếu tố văn hóa khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại Đà Nẵng, tinh thần khởi nghiệp xuất phát từ khát vọng vươn lên của con người miền trung, do đó nhiều sinh viên đã bắt tay khởi nghiệp ngay khi còn trên ghế nhà trường.
Với tinh thần đó, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF 2024 vừa qua tiếp tục là một dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhất là những dự án của sinh viên các trường đại học. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng Lê Thị Thục cho biết, điểm đặc biệt của SURF 2024 là đã tập trung vào việc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kết nối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tại Trường đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng, SURF 2024 đã diễn ra Chương trình "Trình bày ý tưởng-Kết nối đầu tư trong khởi nghiệp", tạo cơ hội cho 9 dự án tham gia gọi vốn, kết nối 1:1 với hơn 10 quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần trong nước và quốc tế như: Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo FUNDGO, Draper Startup House Vietnam, Quỹ đầu tư Quest Ventures, Weangels Capital, Do Ventures,... hay như các sự kiện kết nối, giao lưu và hợp tác với các đoàn doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Điểm đặc sắc là Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng năm nay có đến 5 nhà đầu tư là thành phần ban giám khảo vòng chung kết, qua đó không chỉ khiến cuộc thi trở nên cạnh tranh hơn, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các start-up được tiếp cận nguồn vốn và các chuyên gia đầu tư hàng đầu.
Thú vị hơn, khán giả vòng chung kết cuộc thi có rất nhiều sinh viên ngồi xen lẫn với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng thời ở đó, sinh viên không nói về những gì học trong sách vở, mà là những thuật ngữ về khởi nghiệp và công nghệ.
Theo bà Lê Thị Thục, 10 dự án vào vòng chung kết năm nay thuộc các lĩnh vực theo xu hướng như: AI, Blockchain, công nghệ thực tế ảo, tự động hóa,... qua đó cho thấy dấu hiệu đáng mừng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, khi các dự án đã bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.
"Điều đặc biệt hơn là cuộc thi năm nay có sự tham gia của các dự án của sinh viên, học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố; cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần khởi nghiệp đến với các thành tố trong hệ sinh thái", bà Thục nói.
Để tinh thần khởi nghiệp không dừng lại ở mức độ trào lưu, mà trở thành văn hóa khởi nghiệp, thành phố Đà Nẵng đã có những hành động hỗ trợ thực chất. Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng Nguyễn Viết Toàn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp khó khăn trong huy động vốn để phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô, khó tiếp cận các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư thiên thần và mạo hiểm.
Vì vậy, ngoài sự kiện SURF 2024, thời gian qua trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận các nguồn vốn thiên thần và mạo hiểm. Theo đó, Hội thảo quốc tế đầu tư mạo hiểm và thiên thần Đà Nẵng 2024 đã giúp 19 dự án đến từ Đà Nẵng tham gia gọi vốn và kết nối 1:1 với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư quốc tế.
Tháo gỡ nút thắt trong đổi mới sáng tạo
Kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 cho thấy, thành phố Đà Nẵng xếp hạng thứ tư trong phạm vi cả nước và một trong năm điểm mạnh của Đà Nẵng là chỉ số chi cho khoa học và công nghệ/GRDP. Theo đó, các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Chỉ số chi cho khoa học và công nghệ/GRDP cũng có mối liên hệ mật thiết với mức độ đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp, cho thấy địa phương có sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo.
Điều này thực tế đã được minh chứng qua việc chú trọng đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố, bao gồm đầu tư xây dựng các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ, ươm tạo doanh nghiệp và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy vậy, theo kết quả PII năm 2023, chỉ số sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ là điểm hạn chế của Đà Nẵng. Thành phố cũng chưa có các tập đoàn lớn dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng như "kỳ lân khởi nghiệp".
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, những năm qua, sự phát triển của khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiên phong tại thành phố Đà Nẵng đang trở nên mạnh mẽ. Đối với Đà Nẵng, công nghệ tiên phong và khởi nghiệp được xem là thế mạnh.
Tuy nhiên, khởi nghiệp như thế nào để bền vững và bền vững trong mảng công nghệ tiên phong ra sao thì chưa được kết hợp đúng đắn và rõ ràng. Việc vừa áp dụng công nghệ mới vừa bảo đảm tính bền vững trong kinh doanh để phát triển lâu dài là một thách thức lớn.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng Nguyễn Viết Toàn cho biết, một trong những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng trong quá trình phát triển là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới hiện chưa có quy định của nhà nước về việc thử nghiệm, quản lý; đồng thời, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí yêu cầu về kỹ thuật, kinh nghiệm thực hiện, nguồn lực tài chính để tham gia đấu thầu các dự án dịch vụ công.
Thời gian qua trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đã kết nối các phòng thí nghiệm, các trung tâm chuyên môn với các doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm, công nghệ cần thử nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu, nhằm hỗ trợ trực tiếp về máy móc, chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu; tổ chức các hội thảo nâng cao kiến thức về pháp lý; tổ chức các đoàn kết nối cung-cầu phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại các địa phương lân cận.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng: Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã ban hành 4 nhóm chính sách đặc thù về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, bao gồm: Miễn thuế, hỗ trợ phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo, cho phép thử nghiệm có kiểm soát và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhóm chính sách về thử nghiệm có kiểm soát sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có giải pháp công nghệ mới, sản phẩm mới mà pháp luật chưa quy định, hoặc có quy định nhưng chưa theo kịp với thực tiễn sẽ có nơi để đánh giá, hoàn thiện công nghệ - đại diện lãnh đạo sở chia sẻ.
Văn Cường (Theo nhandan.vn)