Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ chuyên ngành Tăng thiết giáp (TTG) cho toàn quân và Quân đội nước bạn Lào, Campuchia; đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên ngành TTG của Binh chủng TTG và Quân đội, Ban Giám hiệu (BGH) Trường Sĩ quan TTG đã đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ.
Để phong trào dạy tốt - học tốt đi vào nền nếp, Đảng ủy, BGH nhà trường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo động lực, khơi dậy tính tích cực, tự giác của các tổ chức, lực lượng, tăng cường giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, xây dựng quyết tâm thi đua cho các đối tượng.
Một tiết học lý thuyết trên giảng đường tại Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp.
Nhà trường đã thực hiện nghiêm phương châm GDĐT “Cơ bản - Hệ thống - Thống nhất - Chuyên sâu”; tập trung thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; kiên quyết “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Đảng ủy, BGH nhà trường tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của phong trào thi đua dạy tốt - học tốt nói riêng, đặc biệt là sự vất vả, căng thẳng trong đào tạo, huấn luyện xe tăng, thiết giáp. Đồng thời tăng cường giáo dục cho cán bộ, giảng viên, nhân viên nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐT.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ GDĐT đòi hỏi ngày càng cao, để phong trào thi đua đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực, Đảng ủy, BGH nhà trường đã chỉ đạo hướng nội dung thi đua vào “Đổi mới toàn diện, đồng bộ quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá chất lượng GDĐT”.
Các cơ quan, Khoa Giáo viên, đơn vị đã bám sát Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng để xác định nội dung, chỉ tiêu thi đua phù hợp; tập trung đột phá làm chuyển biến mạnh mẽ khâu yếu, mặt yếu trong công tác GDĐT, nghiên cứu khoa học.
Trong thực hiện phong trào thi đua, các cơ quan và Khoa Giáo viên đã phối hợp, tập trung rà soát, đổi mới quy trình đào tạo theo hướng tăng thực hành, thực tập, tự học của học viên; bảo đảm lôgic trong từng môn học, kỳ học, năm học, khóa học.
Chú trọng chắt lọc, tinh chỉnh nội dung các chương trình để giảm tải, khả thi, cơ bản, toàn diện, có hệ thống, từng bước hiện đại. Coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Quân đội, bộ đội TTG anh hùng và nhà trường; rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kiến thức quản lý Nhà nước và kỹ năng cần thiết cho học viên.
Học viên thực hành theo chương trình nhiệm vụ đào tạo của nhà trường. Ảnh: Dương Chung
Nội dung phong trào thi đua dạy tốt - học tốt còn được nhà trường hướng vào đổi mới hình thức, phương pháp dạy học theo hướng hiện đại. Để đạt được hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, Khoa Giáo viên đã phát huy tốt dân chủ quân sự, động viên tính tự giác, tích cực, sáng tạo của người học; tích cực đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, nhất là giảng viên mới.
Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng GDĐT. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động GDĐT; nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý giáo dục (QLGD); nhà trường tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về GDĐT.
Nhận thức đội ngũ giảng viên, cán bộ QLGD có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, Đảng ủy, BGH nhà trường và các cấp ủy, tổ chức Đảng đã đẩy mạnh khâu đột phá “Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”, nhà trường đã lựa chọn những cán bộ có chuyên môn vững, phương pháp, tác phong và trình độ sư phạm tốt đưa vào đội ngũ giảng viên; đồng thời tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin...
Đến nay, đội ngũ giảng viên, cán bộ QLGD của nhà trường đã xây dựng đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý. Trong đó, 75% nhà giáo, cán bộ QLGD đạt chuẩn theo quy định. 100% giảng viên có trình độ đại học, 8 đồng chí có trình độ Tiến sĩ, 120 đồng chí có trình độ Thạc sĩ; 2 đồng chí là Nhà giáo Ưu tú, 9 kỹ sư, 15 giảng viên giỏi cấp Bộ Quốc phòng...
Từ những đổi mới có tính đột phá đó, chất lượng GDĐT của nhà trường được nâng lên. Hằng năm, 100% học viên có kết quả học tập đạt yêu cầu, trên 82,74% học viên xếp loại khá, giỏi; 100% xếp loại rèn luyện khá và tốt; 100% học viên tốt nghiệp ra trường đều có phẩm chất, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát huy truyền thống 59 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên Trường Sĩ quan TTG luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, thi đua dạy tốt, học tốt, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện, góp phần đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ TTG “vừa hồng, vừa chuyên”; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội và Binh chủng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, xứng đáng là trung tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học của lực lượng TTG toàn quân.
Huyền Linh