Ngay sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước được Chính phủ ban hành, người mua xe ô tô phấn khởi vì có thể tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Cùng với đó, thị trường ô tô trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu khởi sắc, bởi lượng khách hàng tăng nhanh trong dịp này.
Từ đầu tháng 9, Chính phủ ban hành Nghị định số 109 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9 đến 30/11/2024.
Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. Từ ngày 1/12/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo mức cũ hiện hành.
Việc giảm lệ phí trước bạ lần này không chỉ giúp người dân được lợi hàng chục triệu đồng mà còn tạo hiệu ứng kích cầu tiêu dùng, tạo đà phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Trước đây, nhiều người dân có tâm lý thăm dò, chờ đợi thời điểm chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước để có thể sở hữu một chiếc ô tô mới với chi phí tiết kiệm hơn.
Người dân phấn khởi khi lệ phí trước bạ giảm 50%, góp phần kích cầu thị trường ô tô trên địa bàn. Ảnh: Đức Chung
Anh Dương Quốc Đạt, phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) cho biết: Gia đình tôi đã lên kế hoạch mua xe từ tháng 6, nhưng sau khi nắm được thông tin ô tô lắp ráp trong nước sẽ được giảm lệ phí trước bạ nên lùi lại một thời gian mới mua xe. Chiếc xe gia đình tôi định mua có giá hơn 700 triệu đồng và tôi đã tiết kiệm được gần 40 triệu đồng do được giảm lệ phí trước bạ 50%.
Không chỉ có anh Đạt, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng khấp khởi chờ đợi từ khi thông tin giảm lệ phí trước bạ chưa rõ ràng. Bởi tại thời điểm trước đó, nhiều hãng xe đã tung ra các chương trình ưu đãi cho ô tô sản xuất trong nước nên những người đã xuống tiền mua xe từ cuối tháng 8 có thể hưởng ưu đãi kép.
Ví như, một người đã mua xe từ tháng 8, hãng xe đó đang có chương trình ưu đãi 100% lệ phí trước bạ cho mẫu xe có giá trên 1 tỷ đồng thì sẽ được giảm 120 triệu đồng. Khi chính sách giảm lệ phí trước bạ giảm 50% có hiệu lực, người tiêu dùng sẽ được giảm tổng gần 200 triệu đồng.
Theo lãnh đạo các đại lý ô tô trên địa bàn tỉnh, khi lệ phí trước bạ được giảm 50%, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Đơn cử như trên thị trường hiện nay, đối với những mẫu xe hạng A như Hyundai i10, Kia Morning bản cao cấp có giá khoảng 430 triệu đồng/chiếc thì người tiêu dùng sẽ được giảm 21 triệu đồng lệ phí trước bạ.
Đối với các dòng xe hạng B, nếu chọn bản cao của Honda City với giá hơn 600 triệu đồng/chiếc, người tiêu dùng được giảm hơn 30 triệu đồng. Còn các dòng xe hạng C, nếu chọn bản cao của mẫu Mazda 3 có giá gần 730 triệu đồng/chiếc, khách hàng được giảm đến gần 40 triệu đồng. Riêng đối với những dòng xe hạng sang được sản xuất, lắp ráp trong nước, số tiền mà người tiêu dùng được hưởng lợi tương ứng mức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ khá cao.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ giúp cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều được hưởng lợi, bởi sản phẩm được tiêu thụ nhanh hơn, cùng với đó là gia tăng sức cạnh tranh với các dòng xe ô tô nhập khẩu.
Theo anh Nguyễn Hoàng Long, nhân viên một đại lý ô tô trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, chính sách giảm lệ phí trước bạ đã thúc đẩy doanh số của đơn vị tăng hơn 10% chỉ trong hơn 1 tuần lễ. Với đà này, khi chính sách hết hiệu lực, kỳ vọng doanh số của đơn vị sẽ tăng từ 30-40%.
Không những vậy, việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ phần nào hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, thúc đẩy sức mua trong nước, tạo đà cho việc tái sản xuất, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô.
Trong khi kinh tế còn khó khăn, sức mua sụt giảm thì việc giảm lệ phí trước bạ là giải pháp tối ưu giúp thị trường ô tô sớm hồi phục, nhất là vào thời điểm cuối năm khi sức tiêu thụ sẽ tăng mạnh.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, Nhà nước cần đề ra giải pháp để tăng tỷ lệ nội địa hóa, có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Đặc biệt là sửa đổi, cải thiện chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ giá thành sản xuất, thúc đẩy thị trường ô tô phát triển bền vững, góp phần đem lại lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp.
Thành An