Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế và thường xuyên nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển sôi động với tốc độ tăng trưởng đứng đầu cả nước. Mặc dù những năm qua, kinh tế Vĩnh Phúc tiếp tục vượt khó để duy trì đà tăng trưởng hằng năm, tuy nhiên, nhiều điểm nghẽn đã bộc lộ, cần sớm được tháo gỡ để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta như Bác Hồ từng căn dặn.
Kỳ I: Vươn mình trong gian khó
Gần 30 năm trước, sau khi tái lập, Vĩnh Phúc nằm trong nhóm các địa phương nghèo nhất cả nước và thường xuyên phải nhận cứu trợ từ Trung ương.
Các cơ quan đầu não của tỉnh hầu hết ở nhờ cơ sở vật chất của thị xã Vĩnh Yên - những dãy nhà nhỏ hẹp, cũ kỹ, xuống cấp. Hệ thống hạ tầng giao thông, cấp điện, nước sạch và các hạ tầng khác phục vụ đời sống, sản xuất, sinh hoạt yếu kém, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân.
Công ty Honda Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản) là một trong những doanh nghiệp nước ngoài tiên phong đầu tư vào tỉnh và đã tạo được thành công lớn, bền vững.
Giữa bộn bề khó khăn, làm sao để Vĩnh Phúc vươn mình thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc luôn là câu hỏi đau đáu với lớp lãnh đạo đầu tiên của tỉnh khi ấy, những người đặt viên gạch nền móng cho quá trình xây dựng và phát triển Vĩnh Phúc sau này.
Quan điểm nhất quán là muốn phát triển đột phá, tạo nguồn lực lớn cần phải dựa vào sản xuất công nghiệp, đưa công nghiệp trở thành đầu tàu dẫn dắt các ngành, lĩnh vực kinh tế khác. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, cần phải tạo lợi thế cạnh tranh, các điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư.
Do vậy, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã tập trung chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, đưa quy hoạch đi trước một bước để mở đường, định hướng và làm cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư cũng như quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh; chuẩn bị tốt mặt bằng, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng thiết yếu và công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Vĩnh Phúc đã thu hút thành công hai tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản về sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy là Honda và Toyota, góp phần định hình sản xuất công nghiệp của tỉnh và thu hút các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp liên kết đầu tư tại tỉnh.
Công nghiệp đã thực sự tạo nên bước phát triển đột phá cho tỉnh, từ một địa phương thuần nông khi mới tái lập với nguồn thu ngân sách chỉ khoảng 100 tỷ đồng, Vĩnh Phúc đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp hàng đầu của miền Bắc, luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có kinh tế tăng trưởng nhanh, số thu ngân sách cao nhất và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.
Sau gần 30 năm tái lập, kinh tế Vĩnh Phúc phát triển đột phá, hạ tầng đô thị, nông thôn được đầu tư khang trang, hiện đại.
Giai đoạn 1997-2021, tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt hơn 13% mỗi năm, giai đoạn 2022-2023 đạt hơn 8%. Năm 1997, thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng; đến năm 2002, vượt mốc 1.000 tỷ đồng; từ năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương.
Đến năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt kỷ lục mới khi vượt mức 40 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 400 lần so với số thu ngân sách năm 1997.
6 tháng đầu năm 2024, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cũng như biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, thu ngân sách trên địa bàn vẫn đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm. Năm 2023 đã tăng lên hơn 135 triệu đồng, gấp gần 63 lần so với năm 1997.
Thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả ấn tượng, Vĩnh Phúc từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh thu hút hơn 1.300 dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Trong đó, có hơn 470 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD; hơn 840 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 143 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh