“Vĩnh Phúc - Quê hương tôi” là chủ đề chương trình nghệ thuật đặc sắc do các diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật tỉnh dàn dựng, biểu diễn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024, đợt 1 sắp diễn ra tại tỉnh. Với sự đầu tư kỹ lưỡng, dàn dựng công phu, chương trình nghệ thuật là bản hùng ca bất diệt về đất và người Vĩnh Phúc.
Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024, đợt 1 do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, diễn ra từ ngày 21/11 - 30/11 tại Nhà hát tỉnh.
Liên hoan có sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ đến từ 13 đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Mỗi đơn vị xây dựng 1 chương trình nghệ thuật tham gia liên hoan với chủ đề ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; thể hiện bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng, miền.
Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật tỉnh tập luyện các tiết mục đặc sắc chuẩn bị cho Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024. Ảnh: Dương Chung
Liên hoan là sân chơi nghệ thuật lớn, nơi các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, làm mới hình thức trình diễn, thể hiện dấu ấn vùng, miền và phong cách cá nhân.
Nhạc sĩ Vũ Duy Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh cho biết: Chương trình nghệ thuật “Vĩnh Phúc - Quê hương tôi” gồm 12 tiết mục kết hợp đan xen tinh tế giữa các thể loại ca, múa, nhạc được khai thác trên các chất liệu âm nhạc dân gian, thính phòng, đương đại và nhạc nhẹ, kết hợp hình ảnh, lời bình, ánh sáng kỹ thuật và được chia thành 2 phần.
Phần 1 với tựa đề “Về miền đất Phật” mở đầu với màn hát múa “Tây Thiên vạn lộ”, có nội dung khái quát về Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - một trong những nơi phát tích của Phật giáo, là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của Vĩnh Phúc.
Tiếp theo là mạch nguồn sáng tạo trải dài theo không gian văn hóa mang đậm bản sắc Vĩnh Phúc, là sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, sự giao thoa, tiếp biến, phát triển từ chiếc trống Lạc Cầm đất cổ, tháp Bình Sơn uy nghiêm, trầm mặc, Khu di tích và danh thắng Tây Thiên…
Phần 2 với tựa đề “Bức tranh quê”, khán giả được đắm mình trong những câu chèo cổ, những làn điệu hát Xẩm, Chầu văn, Trống quân, Soọng cô… truyền thống của nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc. Âm nhạc truyền thống được cải biến, sáng tạo, kết hợp với hơi thở mới của dòng nhạc dân gian đương đại trẻ trung, sôi động, thể hiện nét phong phú, đa dạng của nghệ thuật.
Kết thúc chương trình là màn hát, múa “Hướng tới tương lai”, thể hiện ý chí, niềm tin, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện lời Bác Hồ dạy năm xưa: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Theo nhạc sĩ Vũ Duy Dũng, Vĩnh Phúc đăng cai tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh nói chung và các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật tỉnh nói riêng.
Đi cùng với niềm vinh dự ấy là trách nhiệm lớn lao, đòi hỏi mỗi diễn viên, nghệ sĩ phải dành trọn tâm huyết để sáng tạo, xây dựng chương trình nghệ thuật có nội dung phù hợp, quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Vĩnh Phúc đến bạn bè, du khách; đồng thời, tác phẩm phải đảm bảo yếu tố nghệ thuật theo yêu cầu của Ban tổ chức. Để làm được điều này, Hội đồng nghệ thuật tập trung nghiên cứu để xây dựng kịch bản chương trình phù hợp với các tiêu chí đưa ra.
Nhà hát Nghệ thuật tỉnh đã mời một số nghệ sĩ có uy tín như NSND Huỳnh Tú, nghệ sĩ Đức Trọng, Cao Duy Tùng… tham gia công tác dàn dựng chương trình. Tập thể diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật tỉnh hăng say luyện tập, không quản ngày đêm để cống hiến cho khán giả một chương trình nghệ thuật đặc sắc tại liên hoan.
Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật tỉnh trình diễn báo cáo chương trình nghệ thuật "Vĩnh Phúc - Quê hương tôi" tại Nhà hát tỉnh. Ảnh: Bạch Nga
NSƯT Mạnh Tuấn, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: “Tôi và các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát rất hào hứng, phấn khởi khi biết tin Vĩnh Phúc đăng cai tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024. Trong suốt 2 tháng qua, các nghệ sĩ, diễn viên đã cố gắng, nỗ lực luyện tập không kể ngày nghỉ, ngày lễ hay buổi tối.
Mọi người đều mong muốn cống hiến sức mình để xây dựng một chương trình nghệ thuật đặc sắc tham dự liên hoan. Hiện nay, công tác dàn dựng, luyện tập chương trình đã hoàn tất. Chúng tôi tập trung giữ gìn sức khỏe để tham gia trình diễn tác phẩm một cách tốt nhất”.
“Vĩnh Phúc - Quê hương tôi” là một tác phẩm nghệ thuật lớn. Các nghệ sĩ, diễn viên đã sử dụng tài năng nghệ thuật của mình để miêu tả vẻ đẹp của những danh lam, thắng cảnh, nét văn hóa truyền thống của người dân Vĩnh Phúc được kết tinh từ ngàn đời.
Thông qua tác phẩm góp phần giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch Vĩnh Phúc đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hướng về cội nguồn dân tộc, trân trọng, yêu quý những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương, qua đó đóng góp công sức tham gia bảo tồn, phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại và tương lai.
Bạch Nga