Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh “Quy định mức hỗ trợ cho người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” đã góp phần động viên kịp thời người được phân công giúp đỡ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết ở một số nơi vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ nhằm tạo động lực cho người được phân công giúp đỡ.
Đại úy Trần Văn Tiến, Công an xã Yên Đồng (Yên Lạc) cùng đồng nghiệp củng cố hồ sơ đối tượng nghiện ma túy đang áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương.
Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thực hiện quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng. Đây là biện pháp quan trọng để quản lý, giáo dục các đối tượng có hành vi vi phạm ngay tại địa phương nơi họ đang cư trú hoặc làm việc. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng của người vi phạm mà thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thể từ 3 đến 6 tháng.
Để thực hiện hiệu quả biện pháp này, công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lập hồ sơ quản lý, phân công người trực tiếp giúp đỡ, giáo dục đối tượng theo quy định của pháp luật. Hiện nay, toàn tỉnh có 228 người được phân công giúp đỡ 278 đối tượng áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Đại úy Trần Văn Tiến, Công an xã Yên Đồng (Yên Lạc) là cán bộ đang trực tiếp giúp đỡ 2 đối tượng nghiện ma túy áp dụng biện pháp giáo dục tại xã. Trong thời gian thực hiện biện pháp giáo dục, anh Tiến thường xuyên gặp gỡ đối tượng và gia đình để tìm hiểu các mối quan hệ xã hội, nắm bắt diễn biến tư tưởng, hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của họ để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ đối tượng tiến bộ. Bên cạnh đó, tích cực tạo điều kiện và động viên họ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lao động, thể dục thể thao và hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh khác tại địa phương. Qua đó, giúp họ từng bước nhận ra sai lầm của bản thân để khắc phục và không tái phạm. Đến nay, xã Yên Đồng đã có hơn 10 đối tượng kết thúc biện pháp giáo dục tại xã khi được giúp đỡ. Tuy nhiên, không ít trường hợp tái vi phạm và phải thực hiện nhiều đợt giáo dục khác nhau.
Hiện nay, công tác giáo dục đối tượng vi phạm tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế và việc chi trả chế độ hỗ trợ cho người trực tiếp được phân công giúp đỡ vẫn còn nhiều vướng mắc. Phần lớn các đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là người nghiện ma túy, không có công việc ổn định và có hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân nhưng chưa đến mức phải cách ly khỏi cộng đồng. Việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với các đối tượng này phần nhiều cũng được tiến hành đồng thời với việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc điều trị nghiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật.
Theo quy định thì người được phân công giúp đỡ phải là cộng tác viên công tác xã hội, người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư hoặc người có kinh nghiệm quản lý, giáo dục người chưa thành niên trong cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em. Một người có thể được phân công giáo dục, quản lý, giúp đỡ nhiều người nhưng không quá 3 người cùng một thời điểm. Những người này phải có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục. Song, trên thực tế rất khó xác định được năng lực và kinh nghiệm giúp đỡ, giáo dục nên phần lớn nhiệm vụ này được giao cho lực lượng công an cơ sở, là công an chính quy ở xã hoặc công an viên ở thôn. Trong khi đó, lực lượng công an cơ sở phải kiêm nhiệm và thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác dẫn tới những khó khăn trong việc giáo dục, giúp đỡ. Hơn nữa, mức hỗ trợ đối với người được giúp đỡ còn thấp, chỉ 400.000 đồng/tháng trong khi các đối tượng được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phần lớn là người nghiện ma túy nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người giúp đỡ và có tính chất đặc thù cao nên chưa tạo được động lực trong công tác này. Việc lập hồ sơ thanh toán tiền hỗ trợ còn nhiều vướng mắc về thủ tục nên nhiều người được phân công giúp đỡ nhưng chưa nhận được tiền.
Bên cạnh đó, đối với công tác giáo dục các đối tượng vi phạm tại xã, phường, thị trấn ở một số địa phương còn chưa được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và thôn dân cư nơi đối tượng cư trú mà vẫn coi đó là trách nhiệm, nhiệm vụ của lực lượng công an. Vì vậy, cần có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc để tạo động lực cho những người được phân công giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn và giúp công tác này có nhiều chuyển biến rõ nét hơn.
Bài, ảnh Bình Duyên